Cảnh giác với cơn đau tim khi xem trực tiếp bóng đá

 
Người dân và bệnh nhân tại Viện Tim mạch Việt Nam vỡ òa trong niềm vui chiến thắng

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vừa trải qua mọi cung bậc cảm xúc khi theo dõi trận đấu lịch sử của Đội tuyển U23 Việt Nam xuất sắc vượt qua U23 Qatar để ghi tên mình vào chung kết giải U23 châu Á cùng với tuyển U23 Uzbekistan. Đây chắc chắn sẽ là một trận đấu lịch sử, không thể bỏ qua và được ngóng trông bởi hàng triệu con tim yêu nước, yêu bóng đá

Nếu có sức khỏe, bạn cứ tự do thả mình theo hàng triệu người hâm mộ đáng hướng mắt về đội tuyển U23 Việt Nam, còn trong trường hợp bạn có vấn đề về sức khỏe thì hãy cố gắng cân bằng giữa đam mê bóng đá với lợi ích về sức khỏe, bởi những diễn biến bất ngờ đến "nghẹt thở" lúc thi đấu có thể sẽ khiến tình trạng sức khỏe của nhiều người bị ảnh hưởng. Quả thực 2 trận tứ kết và bán kết mà tuyển U23 Việt Nam vừa trải qua, những pha bóng, hai lượt sút luân lưu đã bóp nghẹt con tim của rất nhiều người hâm mô Việt Nam

 

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo với người hâm mộ thể thao, đặc biệt là bóng đá về sự nguy hiểm có thể đối mặt do những cảm xúc phấn khích, hồi hộp quá độ trong khi theo dõi trận thi đấu trực tiếp. Những cảm xúc căng thẳng quá độ khi chứng kiến những giây phút đặc biệt quan trọng có tính chất quyết định của trận đấu có thể kích hoạt 1 cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Canadian Journal of Cardiology (Tạp chí Sức khỏe Tim mạch Canada) đã chỉ ra, cơn đau tim thường xảy ra nhiều nhất vào thời điểm đội bóng có cơ hội ghi bàn hoặc những bàn thắng được ghi vào những phút bù giờ cuối cùng của trận đấu. Sự gia tăng cảm xúc hưng phấn và hồi hộp cực độ được ước tính: nhịp tim tăng 75% khi chứng kiến trận đấu qua TV và có thể tăng tới 110% khi xem trực tiếp tại sân vận động.Vì vậy, những người có tiền sự bệnh tim nhưng lại là fan hâm mộ cuồng nhiệt của bóng đá, muốn hòa mình vào không khí sôi động, hào hứng thì cũng nên cân nhắc thật kỹ bởi có một điều chắc chắn rằng, trận bán kết sắp tới đây sẽ thực sự là một trận đấu "nghẹt thở" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, đau tim thường xuất hiện nhiều nhất vào những phút giây trông đợi khoảnh khắc ghi bàn. Các nhà khoa học cũng tính đến "chỉ số niềm đam mê" của người xem, nhưng dường như nó có mối tương quan không đáng kể. Kết quả trận đấu cũng chưa hẳn đóng vai trò quan trọng. Nếu như người ta hết sức đau lòng khi đội bóng yêu thích thua thì cũng rất có thể lên một cơn đau tim trong lúc niềm vui vỡ òa vì chiến thắng, hoặc khi cầu thủ yêu thích tung cú sút quyết định.

 

"Vì vậy, các bệnh nhân có nguy cơ cao cần được cảnh báo về các triệu chứng tim mạch tiềm ẩn khi họ ngồi trên hàng ghế khán giả. Đồng thời, họ cần được hướng dẫn cách tìm kiếm sự chăm sóc y tế cần thiết nếu các triệu chứng ban đầu xảy đến" - Giáo sư Paul Khairy, Viện Tim mạch Montreal, người đứng đầu nghiên cứu trên, khuyến cáo. Và tốt hơn hết, nếu việc ngồi trước màn hình ti vi và xem một trận bóng yêu thích khiến bạn mệt đứt hơi, hãy cẩn thận với lửa nhiệt tình của bạn và đi tầm soát các bệnh lý tim mạch.

Trong lịch sử y học đã ghi lại nhiều trường hợp cổ động viên bóng đá tử vong do những cơn đau tim, đột quỵ xuất hiện khi chứng kiến đội bóng mình hâm mộ thi đấu. Năm 1996, khi đội tuyển Hà Lan bị thua cuộc trước đội tuyển Pháp và bị loại khỏi vòng chung kết Euro sau loạt đấu luân lưu, số ca tử vong ở nam giới do các cơn đau tim và đột quỵ nước này tăng tới 50%. Con số này được ghi nhận do nghiên cứu của Giáo sư Diederick Grobbee và các cộng sự: có khoảng 60% dân số Hà Lan khi đó theo dõi trận đấu (khoảng 9.8 triệu/15.5 triệu dân). Sau trận đấu, số ca tử vong do đau tim hoặc đột quỵ tăng 50% với bình quân 5 ngày trước và sau trận đấu đó. Giáo sư Diederick Grobbee và các cộng sự của mình cho rằng, nguyên nhân dẫn đến trường hợp này là bên cạnh sự căng thẳng, hồi hộp quá độ, những người xem đã uống rượu và ăn uống quá nhiều khi theo dõi trận đấu.

 

Trong tạp chí Y khoa Anh quốc, các chuyên gia y tế cho rằng, những người có tiền sử bệnh tim hoặc tâm lý yếu nên uống thuốc aspirin hay thuốc trợ tim trước khi theo dõi 1 trận đấu quan trọng được dự đoán có tính chất đặc biệt căng thẳng và hồi hộp.
 
Các nhà khoa học đã kết luận rằng: “Những sự kiện thể thao quan trọng có thể tạo ra mức độ căng thẳng, hồi hộp đủ lớn để gây ra 1 cơn đau tim. Tâm lý căng thẳng, hồi hộp kết hợp với việc sử dụng rượu bia là 2 yếu tố dễ khiến xảy ra cơn đau tim, đột quỵ”. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo, người hâm mộ nên hạn chế ăn uống quá nhiều, uống rượu bia khi theo dõi những trận đấu đỉnh cao. Đặc biệt, những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim cần chuẩn bị tốt tâm lý trước khi xem trận đấu cũng như sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của nhân viên chăm sóc y tế khi xuất hiện các triệu chứng của cơn đau tim, đột quỵ.