Cứu sống thành công bệnh nhân rối loạn nhịp tim nguy kịch tại phòng C1 Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai


Rối loạn nhịp tim là một trong các nguyên nhân thường gặp gây tử vong ở các bệnh nhân có bệnh tim. Vừa qua, tại Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim trong tình trạng nguy kịch. Bằng sự cố gắng của tất cả tập thể nhân viên y tế phòng C1, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất.

Bệnh nhân nam 58 tuổi ở Hoà Bình, từng được chẩn đoán Hẹp van hai lá -Suy tim cách đây nhiều năm, tuy nhiên bệnh nhân không dùng thuốc và không theo dõi bệnh định kỳ tại bệnh viện. Đợt này, bệnh nhân tự sử dụng thuốc do thầy lang kê đơn, không rõ thành phần thuốc. Sau khi uống được hơn 10 thang thuốc, bệnh nhân thấy người mệt mỏi hơn, kèm theo đi tiểu rất ít. Bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh Hoà Bình trong tình trạng cấp cứu, nhịp tim rất chậm khoảng 40-50 nhịp trong một phút. Bệnh viện tỉnh đã chuyển bệnh nhân cấp cứu lên Bạch Mai. Bác sĩ Đặng Minh Hải là người tiếp nhận bệnh nhân tại phòng cấp cứu C1, bằng kinh nghiệm lâm sàng nhạy bén, anh đánh giá nhanh chóng tình trạng bệnh nhân vô cùng nguy kịch, bệnh nhân đã hôn mê, nhịp tim đập rời rạc, tần số 10 đến 15 lần một phút (ở người bình thường, nhịp tim khoảng 70 đến 90 nhịp trong một phút), mạch bẹn không bắt được, huyết áp không đo được. 


  
Điện tâm đồ của bệnh nhân lúc nhập viện tại phòng C1-Viện Tim mạch

Lập tức bệnh nhân được chuyển vào khu hồi sức, ê kíp cấp cứu gồm các bác sĩ, điều dưỡng của phòng C1 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS.Tạ Mạnh Cường -Phó Viện trưởng, Trưởng phòng Hồi sức cấp cứu Tim mạch C1 khẩn trương tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân được cấp cứu ép tim liên tục song song với việc đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu tại giường. Tiến hành làm khí máu động mạch cấp cứu ngay lúc vào, chúng tôi phát hiện ra bệnh nhân bị tăng kali máu rất nặng, Kali máu của bệnh nhân là 9,4 mmol/l. Tăng kali máu là nguyên nhân hay gặp gây rối loạn nhịp tim cho bệnh nhân. Bình thường Kali máu từ 3,5 đến 5,0 mmol/l. Kali máu tăng từ 6,5 mmol/l trở lên được coi là rất nguy hiểm. Nhận định của chúng tôi ngay lúc đó, đây là một trường hợp rối loạn nhịp tim do tăng kali máu rất nặng, hậu quả của một đợt suy thận cấp do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ lập tức dùng các thuốc hạ kali máu cho bệnh nhân, đồng thời liên hệ lọc máu cấp cứu cho người bệnh với hy vọng mong manh nếu bệnh nhân có mạch đập trở lại. Điều kỳ tích đã xảy ra khi sau gần 40 phút cấp cứu liên tục, bệnh nhân đã có mạch đập trở lại, Kali máu được xử trí tích cực giảm từ 9,4 xuống 7,4 mmol/l. Bệnh nhân sau cấp cứu có dấu hiệu kích thích, chứng tỏ cấp cứu hiệu quả và duy trì được huyết động cho bộ não bệnh nhân. Bệnh nhân sau đó được lọc máu cấp cứu, thở máy 1 ngày, tỉnh táo trở lại và rút được máy thở. Mỗi ngày trôi đi, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt dần lên, bệnh nhân tỉnh táo, không cần hỗ trợ về hô hấp, chức năng thận về bình thường. Bệnh nhân đã được chỉ định mổ thay van tim tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Chia sẻ trường hợp trên đây, các bác sĩ Viện Tim mạch, đặc biệt là phòng Hồi sức cấp cứu C1, các bác sĩ và điều dưỡng rất vui mừng vì đã cấp cứu thành công một bệnh nhân nguy kịch, dành lại sự sống cho người bệnh trong gang tấc. Bằng kiến thức chuyên môn vững vàng, nhạy bén, cùng trang thiết bị đầy đủ, bệnh nhân đã được cứu sống một cách thần kỳ, mà có lẽ nếu bệnh nhân đến chậm thêm 5 phút nữa thôi, tất cả sẽ là quá muộn. Qua đây, chúng tôi muốn cảnh tỉnh tất cả mọi người, nhất là các người bệnh nên đi khám và theo dõi tại các cơ sở bệnh viện uy tín của nhà nước, không tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên thị trường vì có thể sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.