Phòng Điều dưỡng



Viện tim mạch Việt Nam, tiền thân là khoa Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, được thành lập từ ngày 11/11/1989. Cùng với sự phát triển chung của Bệnh viện, hiện nay Viện Tim Mạch là một trong những đơn vị mũi nhọn của Bệnh viện Bạch Mai. Tổng số cán bộ công nhân viên của Viện là 254 người, trong đó có 169 điều dưỡng (01 thạc sỹ, 38 điều dưỡng trình độ đại học, chiếm 22.5% và một điều dưỡng đang học thạc sỹ).

Viện Tim mạch là chiếc nôi đào tạo Đại học và sau Đại học. Bên cạnh đó, Viện cũng là nơi thực tập đáng tin cậy cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp y (Đại học Y Hà Nội, Đại học Thăng Long, Trung cấp Y Bạch Mai, An Khánh...), đào tạo và hỗ trợ cho các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai.

Về hợp tác quốc tế, nhiều bác sĩ từ các nước trên thế giới đã đến Viện Tim mạch để học tập và trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt các điều dưỡng Viện Tim mạch đã được giao lưu và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm về cấp cứu và chăm sóc người bệnh tim mạch từ những điều dưỡng của Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore, tổ chức REI của Hoa Kỳ. Đã có nhiều điều dưỡng của Viện được sang tham quan và học tập chuyên ngành tại Singapore và Hàn Quốc...



Khối lượng công việc của Viện Tim mạch rất lớn nên các điều dưỡng phải rất cố gắng và tự trau dồi kiến thức để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Tim mạch tổ chức các lớp đào tạo liên tục giúp đội ngũ điều dưỡng cập nhật kiến thức mới phù hợp với các kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại. Ban lãnh đạo Viện luôn quan tâm tạo điều kiện cho các điều dưỡng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý trong và ngoài nước. Qua đó, điều dưỡng viên của Viện có cơ hội trau dồi phẩm chất y đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

Phòng điều dưỡng của Viện lên kế hoạch hành động, xây dựng quy trình chuyên môn, quy định cụ thể các vấn đề chăm sóc của nhân viên, tổ chức và triển khai các chương trình đào tạo cho điều dưỡng. Đồng thời Phòng cũng hỗ trợ, phối hợp, kiểm tra giám sát công tác chuyên môn của đơn vị trong Viện.

Với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”, mô hình chăm sóc phân công nhóm của phòng C1 - đơn vị hồi sức cấp cứu của Viện Tim mạch, tiếp nhận và cấp cứu ban đầu của Viện đảm bảo tính liên tục, thông tin giữa điều dưỡng với người bệnh, thân nhân người bệnh hay giữa thầy thuốc và nhân viên y tế khác thường xuyên hơn. Qua đó, người bệnh được đáp ứng nhu cầu chăm sóc nhiều hơn, chu đáo, tỉ mỉ và kịp thời hơn. Nhờ vậy, đội ngũ điều dưỡng ngày càng tạo được sự hài lòng, tin tưởng của người bệnh và thầy thuốc. Mỗi cán bộ, nhân viên điều dưỡng ở các bộ phận, đơn vị đều cố gắng nâng cao y đức, nâng cao chuyên môn.

Đơn vị Tim mạch can thiệp là đơn vị lớn nhất cả nước. Các điều dưỡng đã phối hợp cùng với các bác sĩ phát triển và làm chủ các kỹ thuật mới trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Ngoài ra các điều dưỡng còn tham gia vào công tác đào tạo, hỗ trợ cho các điều dưỡng ở các bệnh viện tuyến dưới để xây dựng các đơn vị tim mạch can thiệp vệ tinh.

Tháng 4/2012 Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch bắt đầu hoạt động tại khu điều trị kỹ thuật cao Viện Tim mạch, với sự đồng bộ của 3 bộ phận: Phẫu thuật, hồi sức tích cực sau mổ tim và khu điều trị sau phẫu thuật C8. Trong năm 2012, Đơn vị đã thực hiện 897 ca phẫu thuật tim hở về nhiều mặt bệnh khác nhau: Các bệnh van tim, bệnh mạch vành và các bệnh lý về mạch máu... Với tỷ lệ thành công 97%, thời gian nằm viện của người bệnh chỉ từ 8 - 10 ngày. Khác với các Đơn vị khác trong Viện là đơn vị ngoại khoa nên công tác chống nhiễm khuẩn của Đơn vị luôn được đề cao. Đơn vị đã phối hợp với khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai trong công tác quan trọng này, đặc biệt là thực hiện kiểm soát vệ sinh bàn tay cho nhân viên: các điều dưỡng viên những người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh ở đây thực hiện rất tốt. Tỷ lệ người bệnh hài lòng với tinh thần, thái độ và công tác chăm sóc của điều dưỡng sau khi phẫu thuật tại Đơn vị Phẫu thuật đạt 98%. (khảo sát sự hài lòng của người bệnh điều trị tại đơn vị phẫu thuật tim mạch năm 2012). Đây là kết quả cho sự nỗ lực hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại Đơn vị.

Phòng Khám và tư vấn về tim mạch đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2011. Số lượng người bệnh đến khám ngày một tăng. Trung bình có khoảng 150 lượt người bệnh đến khám mỗi ngày. Chỉ với 08 điều dưỡng phục vụ cho 4 phòng khám và 5 phòng thăm dò chức năng (Siêu âm tim, Điện tâm đồ, Hollter điện tâm đồ, Holter huyết áp, nghiệm pháp gắng sức, xét nghiệm máu). Các điều dưỡng ở đây luôn phải linh hoạt, nỗ lực hết mình để phục vụ người bệnh một cách chu đáo, kịp thời. Gương mặt tươi tắn, cử chỉ ân cần, nhẹ nhàng, cởi mở, cùng với sự hướng dẫn chu đáo của các điều dưỡng đã làm cho người bệnh đến khám cũng cảm thấy vơi đi nỗi lo lắng về bệnh tật của mình.

Bệnh nhân đến đây khám rất hài lòng với tinh thần, thái độ và công tác của các điều dưỡng. Điều dáng nói hơn cả là nhiều người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời, góp phần đáng kể cho việc giảm tải lượng người bệnh phải nằm điều trị nội trú.

Các Phòng điều trị của Viện Tim mạch: C2, C3, C6, C7 luôn luôn rất đông bệnh nhân, nhưng các điều dưỡng ở đây cũng đã cố gắng hết mình để phục vụ bệnh nhân tốt nhất. Phòng C4 và Phòng C9 là hai phòng điều trị theo yêu cầu của Viện - một mô hình mới của ngành Y tế. Ở đây bên cạnh cơ sở vật chất được trang bị tốt, điều dưỡng và bác sĩ đã nỗ lực trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân với tâm nguyện: “Sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu của chúng tôi”.

Sau bao nhiêu năm ấp ủ, tâm huyết xây dựng một đơn vị tim mạch nhi của Ban lãnh đạo Viện Tim mạch, tháng 3 năm 2014, Phòng C5 (đơn vị tim mạch nhi) đã đi vào hoạt động. Với một đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trẻ đầy nhiệt huyết, với lòng yêu nghề, mến trẻ đã ngày càng tạo được niềm tin yêu và là một địa chỉ đáng tin cậy cho những bệnh nhi tim mạch trong cả nước. Như vậy Viện Tim mạch đã hoàn thiện mô hình: Nội - Ngoại - Nhi và Tim mạch can thiệp. Điều này cũng đặt ra những thách thức mới cho đội ngũ điều dưỡng của Viện Tim mạch.

Xác định vai trò, vị trí là người điều dưỡng trong cơ sở khám chữa bệnh đầu ngành trong cả nước, các điều dưỡng của Viện không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, tự trau dồi kiến thức để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tốt người bệnh trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các bác sỹ các điều dưỡng của Viện cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học cải tiến kỹ thuật, tham gia trong các kíp tham dự hội thao kỹ thuật tuổi trẻ sang tạo của Viện và Bệnh viện đạt được nhiều giải cao. Ngoài ra, điều dưỡng còn tham gia các phong trào văn thể mỹ đặc biệt là công tác nữ công. Chị em tích cực tham gia các cuộc thi cắm hoa, nấu ăn và đạt được nhiều giải thưởng. Điều dưỡng cũng tham gia các phong trào khám chữa bệnh từ thiện, hiến máu nhân đạo...

Sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ điều dưỡng đã song hành cùng với những cố gắng chung của tập thể toàn Viện. Viện Tim Mạch liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, nhận Bằng khen của Bộ y tế, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và năm 2009 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, Viện đã vinh dự được trao tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng”.

Tập thể Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai, luôn làm việc hết sức mình vì người bệnh và đóng góp xây dựng ngành Tim Mạch trong cả nước, vì một tương lai tốt đẹp nhất của con người Việt Nam.