Phòng C1



Tôi được biết, trong giai đoạn những năm 2000, lãnh đạo Viện Tim Mạch khi đó GS.TS. Phạm Gia Khải là Viện trưởng, GS.TS. Nguyễn Lân Việt, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tước là Phó Viện trưởng đã có ý định chuyển phòng cấp cứu tim mạch từ C3 sang vị trí phòng C1. Một trong những lý do lúc đó là phòng C1 ở vị trí ngay cửa vào của Viện, tiếp giáp với khoa cấp cứu và như vậy sẽ thuận lợi hơn cho việc chuyển bệnh nhân từ khoa cấp cứu vào Viện Tim Mạch. Lúc đó Viện đang thực hiện dự án nâng cấp và cải tạo Viện Tim Mạch với nguồn vốn ODA của chính phủ Áo và sự cải tạo, nâng cấp Phòng C1 thành một phòng hồi sức cấp cứu tim mạch hiện đại với kinh phí có thể được sử dụng một phần từ nguồn vốn này. Chủ trương thành lập một bệnh phòng cấp cứu và hồi sức tích cực tim mạch mới thay thế cho phòng cấp cứu C3 tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện của ban lãnh đạo Viện Tim Mạch mới khi đó GS.TS. Nguyễn Lân Việt là Viện trưởng, TS. Phạm Quốc Khánh viện phó (đồng thời là bí thư chi bộ), PGS.TS. Phạm Hồng Thi, PGS.TS. Đinh Thu Hương và PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến là phó viện trưởng trong ban lãnh đạo. PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi khi đó là Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm trưởng phòng siêu âm tim Viện Tim Mạch mà hiện nay là Viện trưởng Viện Tim Mạch là một trong những người tham gia đề xuất và ủng hộ rất tích cực chủ trương thành lập mới phòng cấp cứu tim mạch C1 của viện.

Khi chủ trương đã thống nhất, ngày ngày 11 tháng 11 năm 2011, Phòng Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch C1 chính thức được phê duyệt thành lập theo quyết định số 08/QĐ-VTM của Viện trưởng Viện Tim Mạch Bệnh viện Bạch Mai.

Các Phòng, Ban chức năng của Bệnh viện Bạch Mai và Ban Giám đốc Viện Tim mạch đã tạo mọi điều kiện để sửa chữa, trang bị trong hơn nửa năm trời, để có phòng C1 như ngày hôm nay.



Đến đầu tháng 6, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, các quy trình cấp cứu, hồi sức, chống nhiễm khuẩn được thông qua và phổ biến tới từng đối tượng. Thời gian này chúng tôi tập trung bồi dưỡng thêm nghiệp vụ cho các điều dưỡng và hộ lý. Chúng tôi báo cáo lãnh đạo Viện là 8/6/2012 chúng tôi xin phép được chính thức đi vào hoạt động. Lúc đó tôi vẫn có một số băn khoăn và lo lắng vì chỉ sợ khi bắt đầu cấp cứu bệnh nhân thì các khâu có trục trặc, máy sốc điện liệu hoạt động tốt không, máy thở hoạt động chuẩn không, các máy theo dõi hoạt động thế nào, các dụng cụ đặt nội khí quản, catheter liệu có vấn đề gì không là những câu hỏi thường trực trong đầu tôi và tôi nói điều này với tất cả mọi người trong phòng. Ngày 5/6/2012, tôi quyết định phát lệnh báo động có bệnh nhân cấp cứu để toàn bộ bệnh phòng thao tác và diễn tập. Buổi diễn tập diễn ra hoàn hảo, quy trình áp dụng tốt, các máy móc và phương tiện cấp cứu hoạt động không có gì sai sót. Tôi yên tâm hơn và tiếp tục các ngày 6, 7/6 sau đó tôi đặt ra các tình huống diễn tập cấp cứu khác nhau để đánh giá lại khả năng cấp cứu của toàn bộ bệnh phòng. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ và chúng tôi cảm thấy rất vững vàng cho công việc nặng nề và khó khăn mà viện đã tin tưởng giao phó. Ngày thứ sáu, 8/6/2012, bệnh phòng C1 chính thức tiếp nhận bệnh nhân. Ngay buổi sáng, không khí bệnh phòng đã nhộn nhịp, mọi người khẩn trương bắt tay ngay vào công việc sau buổi giao ban ngắn của bệnh phòng. Tôi nhớ là buổi sáng hôm đó, chúng tôi đã tiếp nhận 5-6 bệnh nhân cấp cứu nặng. Cũng từ sau buổi chiều ngày 8/6/2012 đó, chúng tôi hình thành một thông lệ: 13h30- 14h00 các ngày thứ 2, 4,6, họp bác sĩ thảo luận chuyên môn, thứ 3 và thứ 5 sinh hoạt chuyên môn y tá dưới sự điều hành của anh Hùng là y tá trưởng C1 và chị Nga là y tá trưởng viện. Những buổi sinh hoạt chuyên môn này rất hữu ích, giải quyết được nhiều vướng mắc trong chuyên môn và có lợi cho người bệnh. Buổi chiều các ngày thứ 2, 4, 6 tôi phân cho BS. Khổng Nam Hương đi buồng xem lại các bệnh nhân để bàn giao cho các bác sĩ trực và nếu cần giải quyết gì thì nên làm ngay cho người bệnh. Các buổi chiều thứ 3, thứ 5, tôi giao công việc này cho TS. Nguyễn Ngọc Quang (hiện nay là trưởng phòng C7). Còn tôi cùng các bác sĩ xem bệnh nhân vào buổi sáng. Giao ban lúc 7h30 sáng hàng ngày có GS. Việt cùng tham dự, về sau này khi PGS. Lợi là viện trưởng thì anh Lợi có tham dự giao ban cùng phòng. Có sự tham gia giao ban của 2 thầy là một vinh dự lớn đối với bệnh phòng chúng tôi và giúp cho bệnh phòng có hướng giải quyết được nhanh chóng những bệnh nhân khó và phức tạp ngay đầu giờ sáng. Khi hoạt động một tháng thì nảy sinh một vấn đề.

Cơ quan bảo hiểm y tế yêu cầu Phòng C1 phải có những quyết định chính thức về nhiệm vụ, chức năng của Bệnh viện và của Bộ Y tế để có cơ sở cho việc thanh toán viện phí đối với giường cấp cứu và giường hồi sức cho bệnh phòng. Ngày 15/8/2012, Giám đốc Bệnh viện PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh chính thức ký quyết định số 1083 về việc thành lập Phòng Cấp cứu và Hồi sức tích cực C1 Viện Tim Mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Tiếp theo đó, Giám đốc Bệnh viện tiếp tục ký các quyết định quy định nhiệm vụ, chức năng của Phòng C1. Vào khoảng đầu tháng 9/2012, Bộ Y tế chính thức có văn bản giao các quy trình kỹ thuật được thực hiện tại Phòng C1. Có thể nói, sau tháng 9 năm 2012, Phòng C1 có đầy đủ các văn bản của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai quy định chức năng và nhiệm vụ của bệnh phòng nên rất thuận lợi cho công việc cấp cứu và hồi sức bệnh nhân. Bên cạnh những thuận lợi thì bệnh phòng cũng còn gặp rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Tuy nhiên tất cả các bác sĩ, y tá, hộ lý trong bệnh phòng đều xác định rằng khó khăn thì sẽ giải quyết dần dần chỉ có công tác cứu chữa bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân thì khó khăn nào cũng phải vượt qua, việc gì có lợi cho bệnh nhân thì làm hết sức mình, việc gì không có lợi cho bệnh nhân thì hết sức tránh. Chính vì thế nên bệnh phòng đã cứu chữa được nhiều bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo, được nhân dân khen ngợi về y thuật cũng như sự chăm sóc người bệnh tận tình của cả phòng.

Trải qua 3 năm kể từ khi được quyết định thành lập, một chặng đường tuy ngắn nhưng Phòng Cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch C1 – Viện Tim Mạch đã có những bước trưởng thành không nhỏ. Một tấm lòng nguyện làm hết sức mình cho tính mạng người bệnh, nắm vững kiến thức về y học, rèn luyện kỹ năng và ý chí của người thầy thuốc làm công tác hồi sức cấp cứu tim mạch, chăm sóc toàn diện người bệnh, kết hợp các phương pháp, phương tiện cấp cứu và hồi sức hiện đại phục vụ bệnh nhân, đoàn kết gắn bó trong công tác chuyên môn, trong cuộc sống nghề nghiệp là phương châm làm việc hiện nay của tập thể phòng C1. Bên cạnh sự chỉ đạo chuyên môn của Lãnh đạo Viện, sự tạo điều kiện tối đa của Lãnh đạo Viện và Ban Giám đốc cùng với các phòng ban chức năng Bệnh viện, Phòng Cấp cứu và Hồi sức tích cực C1 chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới. Thay mặt toàn thể nhân viên Phòng C1, xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Bộ Y tế, Ban Giám Đốc Bệnh viện Bạch Mai, Lãnh đạo Viện Tim Mạch và các Phòng trong Viện Tim Mạch, các bác sĩ nội trú, các bác sĩ, sinh viên và học sinh đã từng học tập và làm việc tại Phòng C1, và rất nhiều những người khác mà chúng tôi không thể nêu hết tên được trong khuôn khổ bài viết này, những người đã đóng góp công sức và trí tuệ mà cũng có thể rất thầm lặng cho sự trưởng thành của Phòng C1 ngày hôm nay và trong cả mai sau. Một lần nữa xin cảm ơn vì tất cả!