Nhiều bệnh nhân tim mạch được cứu sống vì không phải chuyển viện

Có những bệnh lý tim mạch, như nhồi máu cơ tim trước kia bệnh viện (BV) tỉnh không thể can thiệp mà phải chuyển viện, quá trình chuyển viện tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí bệnh nhân chết trên đường chuyển viện.

Bác sĩ tuyến dưới ngày càng "chắc tay"

Nay những cấp cứu tim mạch cơ bản, thậm chí các can thiệp tim mạch phức tạp đã được triển khai ngay tại BV tỉnh, nhờ đề án BV Vệ tinh. Tại Hội nghị tổng kết Dự án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch giai đoạn 2013-2015 diễn ra ngày 22/12 do BV Bạch Mai phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, BV Bạch Mai cho biết đã chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật tim mạch, giúp cứu sống nhiều người bệnh ngay tại địa phương.


Các chuyên gia xem lại hình ảnh chụp mạch vành trước khi tiến hành ca can thiệp tim mạch thị phạm tại BV Đa khoa Ninh Bình. Ảnh: Thế Anh

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án, Viện Tim mạch Việt Nam thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã giúp 6 bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực và chuyển giao các quy trình, kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Theo đó, các gói kỹ thuật siêu âm tim, mạch; Gói kỹ thuật tim mạch can thiệp; Gói Phẫu thuật tim mạch... đã từng bước được chuyển giao cho các bệnh viện vệ tinh gồm: BV Đa khoa các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai và Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội) bằng nhiều hình thức, từ “cầm tay chỉ việc”, điều trị từ xa thông qua hệ thống hội chẩn trực tuyến (Telemedicine).

Hàng loạt các kỹ thuật khó trước đó chưa từng được triển khai ở BV tuyến tỉnh thì nay, các bệnh viện đã triển khai thuần thục như đặt ca-tê-te tĩnh mạch trung tâm, chọc dịch màng tim, màng phổi, màng bụng, xốc điện cấp cứu ngừng tuần hoàn và xử lý các rối loạn nhịp tim, chụp mạch và đặt sten động mạch vành, siêu âm tim qua thực quản...

TS.BS Nguyễn Thị Thoa, trưởng khoa Tim mạch (BV Đa khoa Quảng Ninh) cho biết, sau hơn năm trở thành bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai, kỹ thuật tim mạch tại BV đã vượt cả những mục tiêu ban đầu đặt ra.

“Trước đó, mục tiêu chỉ học về nội khoa, cấp cứu tim mạch cơ bản thì nay chúng tôi làm được những kỹ thuật ngoài dự kiến. Như đặt máy tạo nhịp cấp cứu, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, hay siêu âm thực quản vốn khó thực hiện được tuyến tỉnh. Hay như với bệnh nhân nhồi máu cơ tim có sốc tim, nếu không can thiệp được cấp cứu trước khi chuyển đi người bệnh rất rủi ro, thậm chí tử vong trên đường chuyển viện thì nay đã có thể can thiệp, cứu được người bệnh. Từ khi các kỹ thuật tim mạch được triển khai, số lượng bệnh nhân phải giảm lên tuyến trên giảm hẳn, cứu được nhiều người bệnh bởi có những bệnh lý tim mạch không cấp cứu được, quá trình chuyển viện sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”, TS Thoa nói.

Hay như tại BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình, từ chỗ chưa triển khai được kỹ thuật tim mạch nào đặc biệt, thì nay mỗi tháng BV tiến hành khoảng hơn 20 ca can thiệp. Sáng 21/12, 2 ca can thiệp mạch phức tạp cũng được các bác sĩ BV này “thị phạm” dưới sự chứng kiến của các chuyên gia hàng đầu về tim mạch đến từ BV Bạch Mai.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện tim mạch, các bệnh viện vệ tinh ngày càng “chắc tay” trong xử lý các bệnh lý về tim mạch. Ví dụ như tại BV Đa khoa Phú Thọ, trong năm 2014 khi mới triển khai các kỹ thuật tim mạch, một năm họ có 139 ca cần hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên. Thì nay trong năm 2015 chỉ còn 5 ca khó cần nhờ hỗ trợ.

Tiền đề quy hoạch chuyên ngành tim mạch

Theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam (BV Bạch Mai), cùng với ung thư, các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Trên thế giới tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch chiếm 33%, tức là cứ 100 bệnh nhân tử vong thì có tới 33 người chết vì bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, theo thống kê sơ bộ tại thành phố Đà Nẵng cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch là 39,6%, cứ 100 bệnh nhân tử vong thì khoảng 39 người có liên quan đến bệnh lý tim mạch.

Điều đáng nói là các ca bệnh tim mạch tử vong chủ yếu là do không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân đến các bệnh viện lớn muộn do đường xa. Thống kê tại Viện tim mạch Quốc gia cho thấy 60% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến viện sau 12 giờ có các triệu chứng đau thắt ngực, gần 40% đến trước 12 giờ và chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được đưa đến viện trong khoảng “giờ vàng” để đảm bảo điều trị tốt nhất.

Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân còn được đưa đến viện muộn hơn, thậm chí sau 2 ngày có cơn đau thắt ngực. Trong đó, theo khuyến cáo, với bệnh nhân khi xuất hiện cơn đau thắt ngực thời điểm lý tưởng để thực hiện can thiệp thông mạnh vành là 2 giờ đồng hồ kể từ khi có triệu chứng này. Sau 6 giờ là thời gian vàng để can thiệp; trước 12 giờ người bệnh vẫn còn cơ hội điều trị tốt nhưng với những trường hợp đến viện sau 12 giờ rất khó cứu hoặc để lại những di chứng nặng nề.

“Việc các BV vệ tinh triển khai được nhiều kỹ thuật tim mạch sẽ giúp bệnh được được tiếp cận điều trị sớm”, GS Lợi nói.

GS Lợi cũng cho rằng, các kết quả ban đầu của Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ giúp ngành y tế thực hiện được việc quy hoạch chuyên ngành tim mạch trong toàn quốc. Hiện Viện Tim mạch Việt Nam đang xây dựng quy hoạch chuyên ngành tim mạch trong toàn quốc vì tim mạch là một trong những chuyên ngành đang quá tải bệnh nhân và tỷ lệ tử vong đối với các bệnh lý tim mạch rất cao.

Hồng Hải