Khi nói đến Siêu âm Tim của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa (và nay là CHXHCN Việt Nam) chúng ta phải cám ơn chân thành nhất GS. TS. Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện tim mạch 1995-2007), người đầu tiên ứng dụng Siêu âm tim ở nước ta. Với trí nhớ tuyệt vời, Thầy kể: sau khi thầy thực tập ở Hungary về (năm 1972), Bệnh viện Bạch Mai nhận được máy Siêu âm viện trợ của Thụy Điển Ecolines nhưng bom B52 đã phá hỏng, chưa chạy được ngày nào. Chưa có máy, Thầy đi giúp triển khai Siêu âm tim mode A tại Học viện quân Y 103 năm 1973. Sau đó Thầy triển khai tiếp máy siêu âm tim Kretzteknik (sản xuất tại Cộng hòa Áo) cho Bệnh viện E năm 1974, cũng chỉ có mode A và mãi đến năm 1978, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ sau chiến tranh, Thầy cùng các kỹ sư khôi phục được máy Ecolines (vẫn chỉ là mode A) và đã giúp nâng cao rõ rệt chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tim mạch. Thầy rất vui kể lại là màn hình của máy có ống kính dài, phải úp mặt vào đó để quan sát hình ảnh siêu âm, đôi khi có học viên ham học vô tư đẩy đầu Thầy ra một bên để nhòm vào xem.
Năm 1981, BS. Nguyễn Tuyết Minh đi thực tập tại Hà Lan trở về mang theo viện trợ của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hà Lan chiếc máy siêu âm Organon Teknika, tuy chỉ có Siêu âm TM nhưng vẫn là một bước tiến mới về kỹ thuật siêu âm tim mạch, ở thời điểm rất nghèo khó, chỉ có chụp phim X quang thẳng nghiêng kinh điển là phương pháp chẩn đoán hình ảnh duy nhất về tim mạch. Rồi đến năm 1987, BS. Nguyễn Lân Việt (Giáo sư Viện trưởng Viện Tim mạch 2007-2013) trở về sau hơn 1 năm thực tập tại Paris và Marseille đã lần đầu tiên triển khai siêu âm tim 2D trên máy Siêu âm ATL do Hội Hữu nghị Pháp - Việt TCV tặng Tim mạch Việt Nam. Và kỉ niệm khó kể, đầu nghề của tôi với kỹ thuật Siêu âm tim cũng gắn với chiếc máy này: sau khi khám lâm sàng cho một bệnh nhân, tôi thử cầm đầu dò của chiếc máy quý giá ấy (lần đầu tiên trong đời, chưa được đào tạo gì) đặt lên ngực bệnh nhân mà mãi chẳng thấy tim đâu ! Nhưng rất may là điện phụt tắt (bệnh viện mất điện), tôi hẹn bệnh nhân hôm khác trở lại... và cho đến bây giờ vẫn chưa biết tại sao mình không tìm thấy gì...?
Sau hơn 2 năm thực tập và nội trú tại Paris năm 1990 (thi 2 lần mới đỗ Diplome d’Universite d’Echocardiographie), tôi được Thầy dạy là GS. Komajda (hiện nay là Chủ tịch Hội Tim mạch châu Âu) thương tình, đề xuất cùng tham gia đề tài nghiên cứu về bệnh cơ tim phì đại. Hơn 2 năm chờ đợi Thầy tìm kinh phí (khoảng 80.000 USD) để mua cho máy siêu âm làm đề tài, có lúc tôi đã hết hy vọng, nhưng đầu 1993 nhận được tin GS. Komajda sẽ gửi cho máy Siêu âm đen trắng Hewlett Packard SONOS 100, với đầu dò cơ học có cả Siêu âm TM, 2D, Doppler xung và liên tục, mấy Thầy trò Bộ môn Tim mạch mừng lắm. Máy được đặt tại Khoa thận nhân tạo, tầng 2 nhà A9 bấy giờ và là cỗ máy rất hữu hiệu cho chẩn đoán, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngay sau đó 1 năm, ông David hãng Hewlett Parkard quý Thầy Khải quá, đã mang sang máy Hewlett Packard SONOS 100 CF màu và giao hẹn sẽ lấy lại máy đen trắng kia về hãng, nhưng rồi ngày tháng qua đi, hai máy vẫn song song chạy, phục vụ hàng ngàn bệnh nhân, hàng chục đề tài cao học, nội trú, NCS ... Chiếc máy Hewlet Packard đen trắng đã “hy sinh anh dũng” tại C3 năm 2009 sau một thời gian dài được điều đến đó phục vụ cấp cứu hồi sức tim mạch và chiếc máy Hewlett Packard màu cũng “thọ” được tới 14 năm, giúp Phòng Siêu âm vượt qua những khó khăn lớn lao của thời kỳ bao cấp, “yêu máy như con, quý đầu dò như … con ngươi mắt mình”. Thầy Khải tâm sự: chính trong thiếu thốn, khó khăn về thiết bị, khi chưa có máy chụp mạch, chưa có CT, Cộng hưởng từ, Spect, PET ... thì siêu âm tim đã đóng vai trò kết nối chúng ta với nhau, với lâm sàng, điện tim, X quang tim phổi. Thầy đã quyết định thành lập Phòng Siêu âm Viện Tim mạch từ những ngày khó khăn ấy (1995). Tôi vô cùng vinh dự được làm Trưởng phòng đầu tiên và sau này GS. Việt bổ sung BS. Nguyễn Thị Thu Hoài là Phó phòng. Một bác sĩ kì cựu nữa trong phòng siêu âm là BS. Nguyễn Lê Hồng, từng thực tập ở Đức và rất yêu nghề siêu âm tim.
Các anh chị PGS. Phạm Hồng Thi, PGS. Đinh Thị Thu Hương, PGS.Nguyễn Thị Bạch Yến, PGS. Trương Thanh Hương, PGS. Tạ Mạnh Cường ... cũng đã trưởng thành từ nghiệp Siêu âm tim và cũng đã đóng góp lớn cho Phòng siêu âm và Viện tim mạch. Điều dưỡng trưởng Phan Thị Hồng Thanh cũng gắn bó với Phòng siêu âm từ ngày ấy, đã cùng với các em Thủy, Đào, Trâm, Chi, Mến ... hết lòng vì công việc.
Đến hôm nay Phòng Siêu âm đã lớn mạnh về cả lượng và chất: hơn 20 Bác sĩ Siêu âm, hơn chục máy siêu âm màu hiện đại, kể cả những máy cao cấp nhất như Philip iE33, GE Vivid E9, Aloka F75 … và mọi kĩ thuật siêu âm Doppler tim cập nhật nhất đều được đưa vào thực tế khám bệnh, đào tạo và nghiên cứu. Do nhu cầu khám chữa bệnh, song song với quá tải bệnh viện, phòng Siêu âm Viện Tim mạch Việt Nam có lẽ chiếm kỉ lục thế giới về số bệnh nhân: năm 2013 thực hiện hơn 67.000 ca siêu âm tim. Các thế hệ bác sĩ Siêu âm tim luôn nhớ ơn các Thầy, các Bạn trong và ngoài nước đã đặt những nền móng ban đầu vô cùng quan trọng và cám ơn các Đồng nghiệp Tim mạch Can thiệp, Ngoại khoa đã luôn hợp tác vì sự phát triển không ngừng của Tim mạch Việt Nam.