Lịch sử phát triển
Ngay từ những ngày đầu thành lập “Tổ điều trị Tim mạch”, các Thầy như GS. Đặng Văn Chung, GS. Đỗ Đình Địch, GS. Phạm Khuê,... đã rất quan tâm đến kỹ thuật ghi điện tâm đồ giúp chẩn đoán một số bệnh lý tim mạch. Kiến thức Điện tâm đồ (ĐTĐ) hồi đó còn rất sơ khai, đã được Giáo sư Trần Đỗ Trinh nghiên cứu trên các bản ĐTĐ ghi được từ những chiếc máy đầu tiên và thực hiện các công trình nghiên cứu, như: “ĐTĐ bình thường ở người Việt Nam”, “Giá trị chẩn đoán các ĐTĐ bệnh lý”, phân tích các biến thiên rất phức tạp của dòng điện tim, rồi từ đó biên soạn cuốn sách “Chẩn đoán Điện tâm đồ”, ra đời đầu tiên năm 1963, góp phần làm ĐTĐ trở thành một thăm dò thường quy đặc biệt quan trọng trong lâm sàng. Ngay từ khi thành lập khoa Tim mạch năm 1972, phòng Điện tâm đồ đã được hình thành và quan tâm với trưởng phòng đầu tiên là BS. Đặng Đình Tích (1975 - 1989), BS. Nguyễn Minh Giao (1990 - 1994). Sau năm 1989, Viện Tim mạch Việt Nam được thành lập trên cơ sở khoa Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội, từ năm 1995 phòng Điện tâm đồ đã có những bước phát triển vượt bậc với sự lãnh đạo của trưởng phòng TS. BS. Phạm Quốc Khánh. Năm 1999, sau một thời gian dài nỗ lực học tập từ các nước có nền tim mạch tiên tiến, được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ của GS. TS. AHLĐ Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện Tim mạch 1995 - 2007) BS. Phạm Quốc Khánh, BS. Trần Văn Đồng,... đã thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam kỹ thuật thăm dò Điện sinh lý tim và triệt đốt rối loạn nhịp tại Viện Tim mạch. Thành công này đã mở ra một lĩnh vực mới can thiệp về nhịp trên toàn quốc. Từ đó Phòng Điện Tâm đồ đổi tên thành Phòng Điện Tâm đồ và Điện sinh lý học tim cho đến ngày nay.
Các Bác sỹ và kỹ thuật viên phòng Điện tâm đồ và Điện sinh lý học tim đã thực hiện nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân. Ghi điện tâm đồ 12 chuyển đạo cho gần 10.000 lượt bệnh nhân/năm; ghi Holter điện tâm đồ và huyết áp cho gần 3.000 lượt bệnh nhân/năm; thực hiện nghiệm pháp gắng sức cho 300 bệnh nhân/năm; nghiệm pháp Atropin cho 400 bệnh nhân/năm. Đặc biệt trong lĩnh vực can thiệp nhịp từ năm 2010 đến nay mỗi năm thăm dò điện sinh lý tim và triệt đốt bằng sóng có tần số radio cho trên 1000 bệnh nhân với các rối loạn nhịp phức tạp như: rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất,... Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho khoảng 500 bệnh nhân với nhiều loại máy tạo nhịp hiện đại trên thế giới như: cấy máy phá rung tự động (ICD), máy tạo nhịp tái đồng bộ điều trị suy tim nặng, máy tạo nhịp hai buồng, một buồng, máy theo dõi biến cố tim,...
Chức năng và nhiệm vụ
- Thực hiện kỹ thuật ghi điện tâm đồ cơ bản, ghi Holter điện tâm đồ, huyết áp cho tất cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú của Viện Tim mạch và của Bệnh viện Bạch Mai.
- Thực hiện nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp Atropin cho tất cả bệnh nhân có chỉ định làm nghiệm pháp của Viện Tim mạch và Bệnh viện Bạch Mai.
- Tiến hành thăm dò điện sinh lý tim và triệt đốt các rối loạn nhịp tim bằng sóng radio các trường hợp rối loạn nhịp bao gồm cả những rối loạn nhịp phức tạp như: rung nhĩ, nhịp nhanh thất,...
- Cấy máy tạo nhịp và lập trình máy tạo nhịp cho các trường hợp rối loạn nhịp tim chậm, suy tim, dự phòng đột tử ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
- Là cơ sở thực hành lâm sàng sau đại học cho các đối tượng: Bác sỹ nội trú, cao học, nghiên cứu sinh, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, định hướng tim mạch.
- Tham gia giảng dạy và đào tạo kiến thức điện tâm đồ cơ bản cũng như nâng cao cho các bệnh viện vệ tinh của viện Tim mạch và bệnh viện huyện của 63 tỉnh thành trong cả nước.
- Đào tạo và hướng dẫn các bác sỹ và kỹ thuật viên can thiệp điều trị rối loạn nhịp của nhiều trung tâm tim mạch trên toàn quốc như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, Bệnh viện 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện của các tỉnh thành như: Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện 115... (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Việt Tiệp (Hải Phòng), Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Thọ, An Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa...
Nghiên cứu khoa học
• Đã thực hiện 04 đề tài nhánh cấp nhà nước, 02 đề tài cấp bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở.
• Các Bác sỹ của Phòng đã tham gia nhiều hội thao tuổi trẻ sáng tạo của Bộ Y tế và đã đạt được thành tích cao: giải nhì năm 2007, giải nhất năm 2009…
Hướng phát triển tương lai
• Tiếp tục đào tạo nhiều Bác sỹ can thiệp rối loạn nhịp.
• Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển các kỹ thuật mới.
• Hợp tác quốc tế nâng cao vị thế của Viện Tim mạch, và của chuyên ngành tim mạch.