Từ những năm 1970 khoa Tim Mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã có một Phòng Thông Tim Thăm dò Huyết động dưới sự dẫn dắt của cố Giáo Sư Đinh Văn Tài. Thời điểm đó, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn, nhưng các thầy thuốc Việt Nam như cố giáo sư Đinh Văn Tài, giáo sư Trần Đỗ Trinh, giáo sư Phạm Gia Khải... đã có rất nhiều cố gắng trong nghiên cứu, thăm dò huyết động, một biện pháp chẩn đoán xâm lấn về các bệnh lý tim mạch. Năm 1989, sự ra đời của Viện Tim Mạch Quốc Gia với sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Đỗ Trinh đã đánh dấu một bước tiến phát triển mạnh mẽ và có nhiều sự giao lưu hợp tác quốc tế. Các bác sỹ như Trịnh Xuân Hội, Trần Văn Dương, Nguyễn Quang Thư là những người tiếp tục công việc thông tim thăm dò huyết động còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức. Đây có thể được coi là những bước đi đầu tiên và quan trọng trong lĩnh vực thông tim thăm dò huyết động xâm lấn ở Việt Nam.
Sự ra đời và phát triển kỹ thuật TMCT ở Việt Nam có lẽ được tính từ những năm 1996 và gắn liền với những cống hiến của GS. TS. Phạm Gia Khải. Trong những giai đoạn đầu, bằng sự quan tâm cũng như sự hợp tác quốc tế hiệu quả, GS. Phạm Gia Khải đã cử nhiều học trò đi tu nghiệp về chuyên ngành TMCT tại Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... và đặc biệt là đã mời rất nhiều đoàn các bác sỹ từ Pháp, Hoa Kỳ sang "đào tạo” tại chỗ, giúp các đồng nghiệp non trẻ của đơn vị tiếp cận được nhanh chóng và hiệu quả các kỹ thuật tiến tiến... Các bác sỹ nước ngoài hoặc là những Việt Kiều tiêu biểu đã có nhiều công đóng góp cho sự phát triển của Tim Mạch Can Thiệp phải kể đến: Bác sỹ Gerard Bonot (Pháp); GS. Thạch Nguyễn; BS. Khôi Lê (Hoa Kỳ); GS. Thomas Bump (Hoa Kỳ)... đã trực tiếp đào tạo, kết nối và hỗ trợ mọi mặt cho sự phát triển của ngành TMCT Việt Nam (nói chung) và của Đơn vị TMCT - Viện Tim Mạch nói riêng. Năm 1997, Bệnh viện Bạch Mai được trang bị một hệ thống máy chụp mạch 2 bình diện của Shimadzu, hệ thống hiện đại nhất thời đó. Kể từ ấy, kỹ thuật TMCT được phát triển một cách mạnh mẽ. Với tầm nhìn, tính quyết đoán, dám làm, dám chịu, GS. Phạm Gia Khải sau đó là GS. Nguyễn Lân Việt và PGS. Đỗ Doãn Lợi, đã tin tưởng và tạo điều kiện cho nhiều bác sỹ trẻ được tiếp cận với kỹ thuật mới này cũng như tìm mọi cách để có thể triển khai được kỹ thuật này ở Việt Nam. Các bác sỹ trẻ (thời đó) như Nguyễn Quang Tuấn, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Lân Hiếu… đã được đào tạo và có nhiều cơ hội tiếp thu các tiến bộ từ các giáo sư đầu ngành nước ngoài và các trung tâm lớn trên thế giới… cùng với các thế hệ đi trước đã nhanh chóng làm chủ và thành thạo các kỹ thuật cơ bản về TMCT: can thiệp động mạch vành (từ 1996); kỹ thuật nong van hai lá bằng bóng được tiếp nhận và triển khai; kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh (đóng ống động mạch và thông liên nhĩ) từ năm (2000)... Lĩnh vực nhịp học, thăm dò điện sinh lý và can thiệp nhịp cũng được phát triển song song với các can thiệp tim khác, mở đầu là những kỹ thuật thăm dò điện sinh lý cơ bản và đặc biệt từ những năm 1999 với sự giúp đỡ của GS. T. Bump, đã giúp triển khai kỹ thuật và đào tạo các bác sỹ chuyên can thiệp nhịp hàng đầu ở Việt Nam như: Phạm Quốc Khánh; Trần Văn Đồng, sau đó là Phạm Như Hùng; Trần Song Giang…
Những năm gần đây, các kỹ thuật TMCT đã phát triển mạnh mẽ, các kỹ thuật mới liên tục được triển khai trong đó phải kể đến việc sử dụng các biện pháp thăm dò hiện đại như siêu âm trong lòng động mạch vành (IVUS); đo dự trữ lưu lượng dòng chảy động mạch vành (FFR); ứng dụng tế bào gốc trong điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp; kỹ thuật can thiệp đặt Stent Graft điều trị bệnh lý động mạch chủ; thay van động mạch chủ qua da; điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng phương pháp triệt phá giao cảm động mạch thận, sửa van hai lá qua đường ống thông; triệt đốt rung nhĩ; cấy máy tái đồng bộ cơ tim… Bên cạnh đó, công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị trong cả nước và cả nước ngoài, công tác nghiên cứu khoa học cũng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Nguồn lực
1. Nhân lực
• Bác sỹ chuyên về tim mạch can thiệp: 24, trong đó có 1 PGS.TS; 8 TS; còn lại là Thạc sỹ (nhiều người đang làm NCS).
• 17 kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo lành nghề.
• Thường xuyên đào tạo 6 -8 bác sỹ (từ các trung tâm khác hoặc đối tượng sau đại học).
2. Vật lực:
• Có 4 phòng máy chụp mạch để thực hiện các thủ thuật, được trang bị: 3 máy Philips; 01 máy Toshiba.
• Các máy thăm dò huyết động, phương tiện cấp cứu đi kèm.
• 01 máy siêu âm, 01 máy siêu âm trong lòng mạch, 01 máy đo dự trữ lưu lượng vành…
• 02 hệ thống các máy thăm dò điện sinh lý và triệt đốt loạn nhịp tim; trong đó có hệ thống thăm dò hiện đại 3D (CARTO).
Những thành tựu
1. Công tác điều trị, triển khai kỹ thuật mới. Trong số các thủ thuật này phải kể đến một số thủ thuật đặc biệt mà Đơn vị Tim Mạch Can thiệp đã thực hiện được đầu tiên trong cả nước, cũng như một số là đầu tiên trong khu vực (Đông Nam Á):
• Can thiệp Động mạch vành cấp cứu.
• Nong Van hai lá bằng bóng.
• Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số radio.
• Can thiệp tim bẩm sinh: bít thông liên nhĩ, còn ống động mạch, thông liên thất bằng dụng cụ qua đường ống thông.
• Đặt Stent Graft động mạch chủ.
• Triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới: siêu âm trong lòng mạch, đo dự trữ dòng chảy động mạch vành, điều trị rung nhĩ bằng sóng radio, điều trị tế bào gốc cho bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp, thay van động mạch chủ qua đường ống thông, sửa van hai lá (kẹp van) qua đường ống thông...
Tất cả các kỹ thuật đã được các bác sỹ, kỹ thuật viên của Đơn Vị Tim Mạch Can Thiệp - Viện Tim Mạch Quốc Gia thực hiện thành thạo, hiệu quả cao với tỷ lệ tai biến thấp trong giới hạn cho phép.
2. Công tác nghiên cứu khoa học.
Đơn vị Tim Mạch Can thiệp là nơi triển khai rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, đáng kể là các đề tài Khoa học cấp Nhà Nước và cấp Bộ đã được nghiệm thu thành công hoặc sắp nghiệm thu như:
• Hợp tác triển khai 04 đề tài nghiên cứu quốc tế (đa quốc gia) về các phương pháp can thiệp ĐMV, các thuốc thế hệ mới điều trị phối hợp trong can thiệp động mạch vành.
• Đã và đang triển khai 6 đề tài khoa học cấp Nhà nước, trong đó 5 đề tài đã được nghiệm thu thành công.
• Trên 10 đề tài cấp Bộ đã và đang được triển khai.
• Hơn 20 đề tài cấp cơ sở (bệnh viện) đã được nghiệm thu.
• Là đơn vị đã đạt 5 lần đạt giải Nhất và 2 lần đạt giải Nhì trong Hội thao khoa học kỹ thuật Tuổi trẻ toàn quốc.
• Là nơi triển khai và thực hiện các buổi Hội thảo Quốc tế và trong nước với những ca truyền hình trực tiếp sang Singapore, Ấn Độ và các trung tâm trong nước.
3. Công tác đà o tạ o, chỉ đạ o tuyến và quan hệ quốc tế
• Tim Mạch Can thiệp tại Viện Tim Mạch Quốc Gia là nơi được coi là trung tâm hàng đầu trong cả nước trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chuyên sâu cho hầu hết các trung tâm trong cả nước từ bắc tới nam.
• Hiện nay kỹ thuật TMCT đã được đơn vị góp phần đào tạo, triển khai, thực hiện tại khoảng trên 40 trung tâm tim mạch can thiệp trong cả nước với đội ngũ thầy thuốc làm TMCT lên tới khoảng 150 bác sỹ: như tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Kiên Giang, Thái Nguyên...
• Góp phần đào tạo thành công 25 nghiên cứu sinh, 90 thạc sỹ và 60 Bác sỹ Nội trú các bệnh viện, 20 bác sỹ chuyên khoa cấp 2, trên 100 lượt bác sỹ thực hành chuyên sâu Tim mạch can thiệp và 90 lượt kỹ thuật viên/điều dưỡng chuyên ngành TMCT.
• Đặc biệt, góp phần đào tạo nhiều học viên từ các nước trên thế giới: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Myanmar... tổng số đã có 37 lượt các thầy thuốc các nước đến học tập tại Viện Tim mạch.
• Giúp triển khai nhiều kỹ thuật đặc biệt như Nong Van Hai Lá, Can thiệp Tim Bẩm sinh tại nhiều trung tâm trên thế giới như tại Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Myanmar... Các quan hệ đối ngoại khác với các bạn đồng nghiệp trong và ngoài nước, Đơn Vị Tim Mạch Can thiệp luôn tạo được mối quan hệ tốt đẹp và tranh thủ được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp nước ngoài.