Viện Tim mạch Việt Nam quyết tâm phấn đấu để giữ gìn truyền thống của một đơn vị anh hùng

VIỆN TIM MẠCH VIỆT NAM QUYẾT TÂM PHẤN ĐẤU ĐỂ GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG CỦA MỘT ĐƠN VỊ ANH HÙNG

GS. TS. NGND. NGUYỄN LÂN VIỆT - Nguyên viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam


28 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo của tập thể cán bộ, viên chức đã và đang công tác tại Viện Tim mạch Việt Nam cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước, của Bộ Y tế, của Bệnh viện Bạch Mai và các Bệnh viện bạn, Viện Tim mạch đã trở thành một địa chỉ điều trị có uy tín với chất lượng cao trong cả nước về chuyên ngành Tim mạch.

  
Tập thể cán bộ Viện tim mạch năm 2009
Là tuyến cuối cùng nên Viện thường xuyên phải tiếp nhận tất cả những bệnh nhân nặng nhất về tim mạch do các địa phương gửi đến. Những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng giường bệnh điều trị nội trú của Viện luôn đạt khoảng trên 200% so với kế hoạch được giao. Ngoài ra, hàng năm Viện còn đảm nhận khám cho khoảng 40.000 – 50.000 lượt bệnh nhân ngoại trú tại phòng khám tim mạch do Viện phụ trách. Bên cạnh đó, Viện Tim mạch Việt Nam cũng luôn quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến. Nhiều cán bộ của Viện đã được cử đến hầu hết các tỉnh thành để giúp đỡ, giảng dạy về chuyên môn, kỹ thuật và cập nhật các kiến thức mới về tim mạch cho tuyến cơ sở. Về nghiên cứu khoa học, Viện đã có những bước tiến và đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này. Trong 15 năm gần đây, Viện đã hoàn thành 6 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 8 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và hơn 50 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Năm 2005, Viện đã vinh dự được nhận “Giải thưởng Nhà nước” về Khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Viện Tim mạch Việt Nam đang là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai dự án về “Phòng chống bệnh Tăng huyết áp” thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia của nước ta.
Có được những thành quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay, chúng tôi không bao giờ quên được những đóng góp to lớn của các bậc Thầy, những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Tim mạch ở nước ta. Cách đây 58 năm, từ tháng 9/1959, “Tổ nghiên cứu Tim mạch” đầu tiên đã được thành lập ở Khoa Nội của Bệnh viện Bạch Mai do GS. Đặng Văn Chung, cây đại thụ trong ngành Nội khoa của nước ta làm tổ trưởng. Các thành viên của tổ bao gồm các Bác sỹ mà sau này đều trở thành những Giáo sư đầu ngành như Đỗ Đình Địch, Bùi Thế Kỳ, Trần Đỗ Trinh, Phạm Khuê, Phạm Gia Khải, Đinh Văn Tài....
Cuối năm 1972, Khoa Tim mạch đầu tiên của nước ta đã được thành lập, trên cơ sở tách ra từ Khoa Nội chung của Bệnh viện Bạch Mai, mà người Chủ nhiệm Khoa đầu tiên là GS. Trần Đỗ Trinh và các Phó Chủ nhiệm là GS. Phạm Gia Khải, GS. Đinh Văn Tài .... Trước tình hình các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng rõ rệt ở nước ta và nhu cầu chăm sóc, dự phòng và điều trị các bệnh tim mạch của nhân dân, ngày 11/11/1989, Viện Tim mạch Việt Nam đã chính thức được thành lập, với địa điểm ngay ở trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai. Viện trưởng đầu tiên là GS.TS. Trần Đỗ Trinh, một người đã suốt đời tâm huyết với chuyên ngành Tim mạch của nước ta. Có thể nói đây thực sự là một dấu mốc quan trọng, tạo điều kiện cho ngành Tim mạch nước ta có thể vừa từng bước đào tạo cán bộ chuyên sâu, vừa triển khai một số kỹ thuật thăm dò và điều trị trong chuyên ngành Tim mạch.
Năm 1995, GS.TS. Phạm Gia Khải được bổ nhiệm làm Viện trưởng của Viện. Giai đoạn này đội ngũ cán bộ của Viện đã từng bước được bổ sung và sự phối hợp cộng tác chặt chẽ giữa các cán bộ của Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội và của Viện Tim mạch Việt Nam đã góp phần tạo nên những bước tiến đáng kể trong công tác đào tạo cán bộ và triển khai nhiều kỹ thuật mới trong chuyên ngành tim mạch.
 
Trong 20 năm gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam luôn là đơn vị mũi nhọn của Bệnh viện Bạch Mai và của ngành Y tế trong việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý về tim mạch. Viện đã hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thường quy nhiều quy trình kỹ thuật thăm dò, chẩn đoán và điều trị hiện đại như Siêu âm cản âm, Siêu âm gắng sức, Siêu âm tim qua thực quản, Holter Điện tâm đồ 24h, Holter huyết áp 24h, kỹ thuật nong và đặt Stent động mạch vành qua da, nong van 2 lá qua da bằng bóng, điều trị loạn nhịp tim bền bỉ và phức tạp bằng RF, cấy máy tạo nhịp có khả năng phá rung tự động, cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ để điều trị suy tim... Ngoài ra, Viện cũng đã triển khai rất hiệu quả nhiều kỹ thuật can thiệp qua da (không cần phải phẫu thuật) trong điều trị một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp (bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, đóng các ống động mạch bằng dụng cụ qua đường mạch máu). Một số kỹ thuật tiên tiến có tính chất cập nhật như: Siêu âm trong lòng mạch (IVUS), đo lưu lượng dự trữ vành (FFR), điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng sóng có tần số Radio (RF),... cũng đã được triển khai rất thành công. Ngay từ năm 2003, kỹ thuật phẫu thuật tim hở (thay van tim, sửa van tim, phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành) được triển khai thường quy với trên 1.000 ca mổ mỗi năm tại Viện Tim mạch Việt Nam đã tạo nên một bước tiến lớn giúp hoàn thiện Viện thành một Viện Quốc gia hoàn chỉnh, đảm bảo điều trị được cả 3 lĩnh vực chính: Nội khoa, Ngoại khoa và Tim mạch can thiệp.

  
Đón nhận danh hiệu anh hùng lao động năm 2009
Có thể nói, việc ứng dụng thành công rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến này đã mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Thực vậy, rất nhiều bệnh nhân ở nước ta đã được hưởng các thành quả tiên tiến nhất của y tế thế giới trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý tim mạch (thay vì trước đây chỉ có một số ít người có điều kiện ra nước ngoài mới được hưởng những thành tựu đó), mang đến niềm tin cho nhân dân về khả năng điều trị bệnh của ngành Tim mạch nước nhà đã vươn lên ngang tầm của nhiều nước tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, Viện cũng đã chủ động có được sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hiệu quả với nhiều Viện nghiên cứu, với các Giáo sư, Bác sỹ chuyên ngành Tim mạch hàng đầu trên thế giới nên đội ngũ thầy thuốc của Viện đã luôn được gửi đi các nước bạn để cập nhật những kiến thức và phương pháp điều trị tiên tiến nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim mạch. Thời gian vừa qua, một số nước trong khu vực như Singapore, Myanma, Indonesia, Nhật Bản... cũng đã cử nhiều bác sĩ sang học tập và trao đổi thêm kinh nghiệm tại Viện Tim mạch Việt Nam. Để ghi nhận những cố gắng vượt bậc, nhất là việc triển khai được một cách đồng bộ, hiệu quả nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, năm 2009, Viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: “Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới”. Trong dịp kỷ niệm 28 năm thành lập viện (1989 - 2017), tôi nghĩ rằng toàn thể anh chị em trong Viện đều tự nhủ phải luôn cố gắng học hỏi, phấn đấu nhiều hơn nữa, để mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của các đồng nghiệp và bệnh nhân tim mạch trong cả nước, xứng đáng với truyền thống của một Đơn vị Anh hùng.

GS. TS. NGND. NGUYỄN LÂN VIỆT
Nguyên viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam