Đây là kết quả của sự kết hợp giữa Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam và BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí thông qua hoạt động của Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT).
Người được phẫu thuật tim mạch đầu tiên tại BV này là ông Nguyễn Văn Du (sinh năm 1959, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Ông Du mang trong mình căn bệnh thông liên nhĩ ngay từ khi sinh ra. Suốt 58 năm sống chung với căn bệnh, ông không được khỏe như những người bình thường khác. Khi vận động gắng sức, ông hay khó thở, thường xuyên mắc chứng viêm phế quản phổi..., do đó, mọi vận động mạnh của ông đều cần sự giúp đỡ của gia đình. Phát hiện bệnh từ khi còn nhỏ, mong muốn thường trực của ông là được chữa khỏi bệnh để giảm bớt mệt mỏi. Ông đã từng đi khám ở nhiều bệnh viện tuyến trên và có chỉ định phẫu thuật đóng lỗ thông tại Viện Tim mạch Trung ương cách đây 5 năm. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện kinh tế nên ông vẫn phải sống chung với bệnh suốt thời gian qua.
Ca phẫu thuật tim hở được thực hiện thành công tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Chia sẻ với mong mỏi của người bệnh, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với sự hỗ trợ của kíp phẫu thuật tim Viện Tim mạch do TS. Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn đã phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ thành công cho ông Du.
Phẫu thuật tim hở là phương pháp các phẫu thuật viên tiếp cận và thao tác khắc phục những vị trí bị lỗi của tim trên nền trái tim được ngưng tuần hoàn hoàn toàn (ngừng đập). Mọi chức năng của tim, phổi sẽ do hệ thống máy tim, phổi nhân tạo đảm nhiệm giúp người bệnh duy trì hô hấp trong thời gian các bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Để thực hiện được kỹ thuật này, ngoài kíp phẫu thuật tim do các bác sĩ Khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch và lồng ngực thực hiện còn có nhóm thầy thuốc gây mê, hồi sức tim, dụng cụ, vận hành máy hồi sinh tim phổi nhân tạo phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Sau khoảng 2,5 giờ phẫu thuật, người bệnh đã được vá lại lỗ thông liên nhĩ bằng màng ngoài tim tự thân. Kết thúc phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc đặc biệt trong 3 ngày tại phòng Hồi sức tim dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Hồi sức. Đảm bảo các thông số sống về mạch, huyết áp, nhịp tim của người bệnh ổn định sau phẫu thuật. 2 ngày sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, được rút nội khí quản, nói chuyện được.
Sau 24 ngày điều trị bệnh tim bẩm sinh (thông liên nhĩ lỗ thứ phát) bằng phương pháp mổ tim hở, sức khỏe người bệnh Nguyễn Văn Du đã có nhiều chuyển biến tốt và được xuất viện trở về với gia đình. Trước ngày ra viện, người bệnh có thể đi lại một quãng đường dài mà không bị mệt, hụt hơi như trước.
Để tiến hành được ca phẫu thuật mà người bệnh Du và gia đình mong mỏi lâu nay, Bệnh viện đã cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ tiền viện phí cho người bệnh. Trong đó, Công ty Cổ phần Thông Quảng Ninh đã hỗ trợ 50.000.000 đồng cho gia đình. Đây là số tiền có giá trị rất lớn về cả vật chất và tinh thần, thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng với người bệnh tại bệnh viện.
Theo Đề án BVVT phối hợp giữa Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2012 - 2020, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là BVVT của Viện Tim mạch Quốc gia trong lĩnh vực tim mạch. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, Viện Tim mạch Quốc gia sẽ chuyển giao các gói kỹ thuật Phẫu thuật tim mạch, tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim mạch, Can thiệp mạch vành, Đặt máy tạo nhịp 2 buồng, can thiệp mạch ngoại biên, lồng ngực... Phẫu thuật tim hở cũng nằm trong các gói kỹ thuật được chuyển giao. Lượng người bệnh cần đến kỹ thuật này lớn và vẫn tập trung nhiều tại các bệnh viện chuyên ngành tuyến trên, do đó, việc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được chuyển giao kỹ thuật này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những trường hợp như ông Du được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến gần nhà mà không phải đi xa, góp phần giảm chi phí điều trị.
BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là BV trực thuộc Bộ Y tế đặt trên địa bàn TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận. Những năm gần đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đặc biệt chú trọng xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc để có thể triển khai nhiều kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân...
Nguồn Sức khỏe & đời sống