Viện Tim mạch: 28 năm xây dựng và trưởng thành
GS. TS. AHLĐ – NGND. PHẠM GIA KHẢI – Nguyên Viện Trưởng Viện Tim mạch
Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai (BVBM), theo qui định hành chính hiện nay, là một khoa trong Bệnh viện, nhưng trong thực tế, lại có vai trò và nhiệm vụ đối với cả nước, cho nên đối với đồng nghiệp, Viện luôn được sự quan tâm và tin yêu đặc biệt, một điều đã làm cho những ai đã có cống hiến nơi đây cũng cảm thấy một sự gắn bó máu thịt giữa những con người đã làm nên sự nghiệp được nhân dân tin tưởng trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Tim mạch, vượt qua thời gian và những cảm nghĩ không thể không có của con người.
Tập thể viện năm 2005
Tôi nhớ lại không khỏi bồi hồi những năm tháng sôi nổi trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi trưởng thành từ khoa Nội chung thành khoa Tim mạch, rồi tiến lên Viện với cố GS. Đặng văn Chung chủ trì, Viện đã có tên của nó nhờ những hoạt động tích cực của GS. Trần Đỗ Trinh, BS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, các cộng sự tại khoa Tim mạch, được tuyên bố chính thức ngày 11 tháng 11 năm 1989, và trước đó không lâu, Hội Tim mạch học Việt Nam ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của một ngành mà những bước đột phá về tổ chức là cần thiết.
Những thành tựu về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực Nhịp học, Chẩn đoán hình ảnh trong Tim mạch, với lâm sàng làm gốc, đã có những bước tiến rõ rệt, được Bệnh viện Bạch Mai đề nghị đi báo cáo tại Hà Nội, Đại học Y Hà Nội chọn đề tài dự thi Tài năng trẻ toàn quốc, thu hút sự quan tâm của người dân mà những khó khăn về đời sống không làm mất lòng tin vào những người thầy thuốc của mình.
Ca bít lỗ thông liên nhĩ đầu tiên tại Viện Tim mạch 1999
Năm 1995 được đánh dấu bằng trường hợp nong Động mạch vành đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, do BS. Trần Văn Dương, Bộ Môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội thực hiện thành công, BS. Dương cũng là người được điều trị mổ bắc cầu nối Chủ-vành tại Toulouse, Cộng hòa Pháp, GS. Phạm Gia Khải, người Viện trưởng kế tiếp cố GS. Đặng Văn Chung và GS. Trần Đỗ Trinh, đã ý thức rõ ràng là: ”Thầy thuốc Tim mạch Việt Nam có thể làm tốt nhiệm vụ của mình nếu học tập nghiêm túc trong công việc hàng ngày bên người bệnh, đọc tài liệu, và cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp ngoài nước, những người có điều kiện tiếp xúc nhiều với khoa học kỹ thuật tiên tiến”. Quan điểm này được hình thành trong suốt thời gian Giáo sư miệt mài bên những người bệnh của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, trong hoàn cảnh chiến tranh ở một nước nghèo, có khi quên ăn, quên ngủ, tại bệnh viện cùng những người cũng yêu nghề như mình, thử nghiệm trên những máy móc hiếm hoi được nước ngoài viện trợ, mà phần lớn là không đồng bộ, có lúc được ra nước ngoài tham quan những trung tâm Tim mạch tiên tiến, tiếp xúc với những đồng nghiệp chuyên gia trong lĩnh vực Tim mạch, củng cố và tạo ra bước ngoặt giúp cho ngành Tim mạch Việt Nam tránh được những đường mòn, rút ngắn khoảng cách phải qua trong việc chữa bệnh cứu người.
Cho đến ngày hôm nay, nhiều kỹ thuật mà trước đây không lâu Viện Tim mạch chưa đưa vào thường qui, một số có thể còn là ước mơ, nhưng đã được ứng dụng tốt: Tim mạch can thiệp với Động mạch vành, Van hai lá. Van động mạch chủ, các Rối loạn nhịp tim, đã cứu sống hoặc cải thiện chất lượng sống cho hàng chục ngàn người, và nếu kể cả đến chuyển giao kỹ thuật cho nhiều tuyến khác, thì số người đó còn tăng thêm nhiều nữa, những kỹ thuật mới trong labo như IVUS, FFR, TAVI, đang giúp cho Viện trở thành một địa chỉ tham chiếu, và trục Lâm sàng - Tim mạch can thiệp - Phẫu thuật, đã hoạt động đều đặn từ nhiều năm nay, công tác phòng bệnh tim mạch phổ biến là Thấp tim, các bệnh Van tim do thấp, đã hoàn tất ở toàn bộ các tỉnh miền Bắc, chương trình phòng chống bệnh Tăng Huyết áp đã được chúng ta tiến hành từ nhiều năm trước khi Bộ Y tế có điều kiện chính thức đưa vào kế hoạch, đã có những kết quả tích cực trong phạm vi toàn quốc: Phác đồ điều trị do Viện Tim mạch đề xuất trên cơ sở tổng kết công trình từ nhiều địa phương đã được Bộ Y tế nhất trí và thông qua.
Chúng ta không chỉ là một cơ sở đào tạo chính cho Đại học Y Hà Nội, mà từ nhiều năm nay, nhiều thầy thuốc, nhiều sinh viên từ nhiều Châu lục, đã đến đây không chỉ để tham quan, mà còn để học, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” mà chúng ta đã được thừa hưởng, và truyền thụ lại cho các đồng nghiệp khác. Lẽ tất nhiên, ảnh hưởng tích cực của Việt Nam đã góp phần vào sự lớn mạnh của Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, lấy Myanmar làm một trong những ví dụ.
Người ta thường nói: ”Có thực mới vực được đạo”, nói theo nghĩa “đạo” là con đường hay là điều hay lẽ phải đều được cả, vậy thì, nếu có một cuộc sống thoải mái hơn,“đạo” chỉ có thể tốt hơn thôi. Hiển nhiên là chúng ta không nên và cũng không thể đòi hỏi phải được đãi ngộ cao quá khả năng đóng góp, nhưng nếu có công bằng dù chỉ ở mức chấp nhận được trong hoàn cảnh khó khăn chung, thì nên và cần phấn đấu để đạt tới... Tôi nhớ tới một tiết mục trong kịch câm, khi người biểu diễn làm những động tác cố gắng vượt qua một bức tường vô hình, nhưng không thành công... chúng ta đang vượt những vật chướng ngại cụ thể trong công tác chuyên môn, và chúng ta không phải là người đóng kịch câm trong việc nâng cao đời sống chính đáng của mình: Nhiệm vụ này chủ yếu thuộc về người làm công tác quản lý của Viện Tim mạch.
GS. TS. AHLĐ - NGND. PHẠM GIA KHẢI
Nguyên Viện Trưởng Viện Tim mạch