Viện tim mạch Việt Nam: 28 năm - Một chặng đường (1989 - 2017)


28 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG(1989 – 2017)

GS.TS. ĐỖ DOÃN LỢI

Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam


A. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN TIM MẠCH VIỆT NAM

Vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, GS. Đặng Văn Chung thành lập đơn vị chuyên điều trị về tim mạch đầu tiên ở nước ta gọi là “Tổ Tim mạch” với một số Bác sĩ ban đầu: Bs. Đỗ Đình Địch, Bs. Bùi Thế Kỳ, Bs. Trần Đỗ Trinh và ít lâu sau thêm Bs. Phạm Khuê và Bs. Phạm Gia Khải do GS. Đặng V ăn Chung làm tổ trưởng. Cùng với thời gian, theo nhu cầu phát triển, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập Khoa tim mạch với nòng cốt là Tổ Tim mạch với cơ sở hạ tầng là bệnh phòng C1 của khoa nội chung do Bs. Trần Đỗ Trinh làm Trưởng khoa đầu tiên. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển Khoa tim mạch đã mở rộng thêm phòng điều trị C3, Phòng thông tim, điện tâm đồ ... Một số kỹ thuật hiện đại ở thời điểm đó đã được ứng dụng lần đầu tiên ở nước ta như: sốc điện chuyển nhịp, cấy máy tạo nhịp tim, thông tim, siêu âm tim … với những thầy thuốc tiêu biểu như: Gs. Trần Đỗ Trinh, Gs. Phạm Gia Khải, Gs. Đinh Văn Tài, Bs. Hàn Thành Long, Bs. Nguyễn Thị Tuyết Minh, PGS. Nguyễn Ngọc Tước, Gs. Nguyễn Lân Việt … Trước sự phát triển mạnh của Khoa Tim mạch, trước nguyện vọng cháy bỏng của các thầy thuốc trong Khoa và sự ủng hộ của Bệnh viện Bạch Mai, ngày 11 tháng 11 năm 1989 theo quyết định số 704/BYT/QĐ của Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Chuyên ngành Tim mạch cả nước.


Đón nhận huân chương độc lập hạng Ba năm 2014

Với những cố gắng tối đa trong mọi hoạt động, Viện Tim mạch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhì tháng 6/2000 và Huân chương Lao động hạng nhất năm 2004, “Danh hiệu Anh Hùng Lao động thời kỳ đổi mới” năm 2009 và phần thưởng bậc cao hơn: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014. Viện có đội ngũ cán bộ hùng hậu, đông về số lượng, mạnh nhất cả nước về chất lượng – các chuyên gia đầu ngành Tim mạch của Việt Nam. Tổng số cán bộ tới thời điểm hiện nay của Viện Tim mạch là gần 300 cán bộ, gồm: 03 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư, 05 Bác sĩ cao cấp, 20 Tiến sĩ; 50 Thạc sĩ và hơn 200 điều dưỡng

 

B. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ & NHỮNG THÀNH TỰU 28 NĂM

1. Chức năng số một của Viện Tim mạch Quốc gia là khám và điều trị các bệnh nhân Tim mạch với ứng dụng kỹ thuật cao bao gồm 3 lĩnh vực tim mạch: nội khoa, can thiệp và phẫu thuật ở cả hai đối tượng: người lớn, trẻ em.
2. Đào tạo và chỉ đạo tuyến - với trách nhiệm cao nhất của Viện Tim mạch đầu ngành.
3. Nghiên cứu khoa học - là một mũi nhọn và thế mạnh của Viện Tim mạch với số lượng lớn các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ….
4. Công tác dự phòng phòng các bệnh lý tim mạch - được đặc biệt chú trọng với chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống Tăng huyết áp và dự án phòng thấp cấp II đã thành công, là tiền đề để phát triển chuyên ngành tim mạch tại các bệnh viện tỉnh, thành phố.
5. Hợp tác quốc tế
6. Quản lý kinh tế y tế
Là một Viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, với sự quyết tâm của toàn thể CBVC, Viện Tim mạch đã đạt được những thành tựu to lớn.

I. Khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật cao

Từ ngày đầu thành lập, Viện Tim mạch chỉ có 2 phòng điều trị Nội khoa C1, C3 với 50 giường bệnh. Từ năm 2001, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Viện Tim mạch đã được tăng chỉ tiêu giường bệnh lên 150 giường (thêm C2, C4, C5, C6) và hiện nay là 450 giường với 12 phòng điều trị nội trú.

Số lượng bệnh nhân đến khám Tim mạch tại Viện tăng lên không ngừng, đạt 84.000 (2015) lượt bệnh nhân tại phòng khám Tim mạch - Khoa khám bệnh và Đơn vị khám và tư vấn theo yêu cầu do Viện phụ trách. Viện đã tiếp nhận điều trị với năng suất và chất lượng cao cho tất cả các bệnh nhân nặng hoặc bệnh nhân khó về chuyên ngành Tim mạch của hầu hết các tỉnh gửi đến, tuy phải chịu một áp lực nhất định về quá tải so với số giường bệnh, mặc dù đã cố gắng không ngừng để giảm số ngày điều trị nhằm giảm chi phí và giảm quá tải.

   

Cho đến nay Viện Tim mạch đã thực hiện thường quy hàng chục kỹ thuật điều trị tiên tiến: nong van hai lá, nong và đặt Stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và điều trị bằng RF các rối loạn nhịp tim, bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, bít ống động mạch bằng các dụng cụ qua da, đặt Stent Graft, thay van động mạch chủ qua da (TAVI), sửa van hai lá qua da với MitraClip, mổ cầu nối chủ - vành, mổ phình, tách động mạch chủ... Việc thực hiện các kỹ thuật này đã cứu sống hàng chục ngàn ca bệnh hiểm nghèo cho mọi tầng lới nhân dân (trong đó có nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam). Số bệnh nhân được can thiệp tim mạch tăng lên hàng năm: 2.729 ca năm 2004 và 9089 ca năm sau 2016 

Viện Tim mạch cũng là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công các kĩ thuật hiện đại nhất: thay van động mạch chủ (TAVI), sửa van hai lá MitraClip bằng ống thông, triệt đốt rung nhĩ bằng sóng có tần số Radio (RF), thay van hai lá bằng phẫu thuật nội soi ... mở ra hướng điều trị mới cho các bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, có ý nghĩa nhân văn hết sức to lớn, giúp giảm đau đớn cho người bệnh, giảm số ngày nằm viện và có hiệu quả cao. Các phương pháp điều trị tim mạch tiên tiến kể trên đều được thực hiện với chất lượng tối ưu, có chi phí chỉ bằng l/5 đến l/10 so với điều trị tại nước ngoài, mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cho người bệnh.

Đặc biệt về phẫu thuật Tim mạch, từ cuối năm 2002, được sự ủng hộ, giúp đỡ và chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phối hợp với khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Bạch Mai, khoa phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Việt Đức, Viện Tim mạch đã triển khai thành công lần đầu tiên phẫu thuật tim có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể. Lúc đầu mỗi tuần Viện chỉ mổ 1 ca bệnh, cho đến nay phẫu thuật tim hở đã trở thành thường quy ở Viện Tim mạch với hơn 20 ca/tuần (năm 2016: 1.110 ca), trở thành một trong những trung tâm mổ tim lớn nhất cả nước.

II. Đào tạo và chỉ đạo tuyến

Viện tim mạch phối hợp với Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bạch Mai, khoa Y Dược Đại học Quốc gia, Học viện Quân Y... đào tạo đại học, sau đại học với các trình độ từ chuyên khoa định hướng, CK cấp I, cấp II, Nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ... song song với công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện trên cả nước.

Đồng thời với việc phát triển kỹ thuật Tim mạch can thiệp, Viện còn chủ động, nhiệt tình, giúp đỡ hiệu quả để xây dựng và triển khai các kỹ thuật này tại 40 Trung tâm Tim mạch can thiệp ở nhiều vùng miền trong cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... và một số Bệnh viện của Quân đội và Công An, ngành Bưu Điện, ngành Xây Dựng (Bệnh viện 103, Bệnh viện 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện 198, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Bộ xây dựng ...)

- Đào tạo được 31 lớp “Chuyên khoa định hướng Tim mạch”, 18 lớp về điện tâm đồ, 12 lớp về siêu âm – Doppler tim, 04 lớp đào tạo chuyên sâu về siêu âm mạch máu (phối hợp với chuyên gia Pháp).

- Đặc biệt từ năm 2014 đề án Bệnh viện vệ tinh tim mạch được triển khai tích cực tại 7 tỉnh thành. Viện đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo tại Viện và tại địa phương. Hội chẩn trực tuyến thường quy với 11 bệnh viện vệ tỉnh và sắp tới sẽ là 20 bệnh viện.

- Ngoài ra Viện cũng tạo điều kiện cho nhiều điều dưỡng trung cấp học Cử nhân điều dưỡng để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Một số điều dưỡng được tuyển chọn thực tập tại trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore, Hàn Quốc...

Công tác chỉ đạo tuyến thường quy, đề án 1816 ... cũng luôn được quan tâm: Viện thường xuyên cử cán bộ của mình đến hầu hết các tỉnh thành để hướng dẫn, giảng dạy về chuyên môn, kỹ thuật, về các kiến thức cập nhật trong chuyên ngành Tim mạch, từ đó đã nâng cao được trình độ chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch cho các bác sỹ, điều dưỡng ở tuyến dưới. Đã bước đầu xây dựng và phát triển được hệ thống chuyên ngành Tim mạch từ trung ương đến các tỉnh và thành phố lớn, tiến đến trong thời gian tới sẽ cố gắng để tất cả các tỉnh đều có được đội ngũ cán bộ chuyên ngành Tim mạch.

Chương trình phòng thấp cấp II được tiến hành kiên trì, liên tục. Cho đến nay mạng lưới phòng thấp cấp II đã phủ hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam.

Giáo dục cộng đồng về Bệnh tim mạch như Bệnh tim thiếu máu cục bộ, Bệnh tăng huyết áp, Bệnh thấp tim,… cũng đã được tăng cường, thông qua các chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng trên VTV2, O2 TV, các buổi Giao lưu với bệnh nhân tại Viện Dinh dưỡng, Viện Tim mạch, tại các tỉnh trong cả nước nhân “Ngày Tim mạch thế giới” vào tháng 9 hàng năm.

Viện cũng soạn thảo hàng chục tài liệu Hướng dẫn cho bệnh nhân về các kiến thức cơ bản trong việc phòng chống các bệnh Tim mạch.

 

III. Nghiên cứu khoa học

Viện đã có những bước tiến vượt bậc về Nghiên cứu khoa học, triển khai được hàng trăm nghiên cứu về các phương pháp phòng, điều trị các bệnh Tim mạch ở Việt Nam. Kết quả của các nghiên cứu này đã có đóng góp đáng kể về kinh tế và xã hội. Trong 10 năm qua Viện đã tiến hành 8 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ, 50 đề tài cấp cơ sở; phối hợp với WHO tiến hành các điều tra cơ bản về bệnh THA và suy tim trên cả nước. Viện đã vinh dự đuợc nhận “Giải thường Nhà nước về khoa học công nghệ” năm 2005. Đây là những thành tích rất đáng tự hào:

Điều tra “Dịch tễ học bệnh THA tại Hà Nội” đề tài nhánh của đề tài cấp Nhà nước KHCN-11- 04 (1999 - 2000). Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chọn lọc một số thành tựu khoa học công nghệ của thế giới về chăm sóc Y tế ứng dụng thích hợp vào Việt Nam (chẩn đoán, điều trị các bệnh tim mạch)” mã số KHCN11-15 (1999 - 2000). Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch” mã số KC 10- 04 (2001- 2004).

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ Y học hiện đại của thế giới trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh tim mạch ở Việt Nam”.

Đề tài cấp Nhà nước KC10-29: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chẩn đoán chính xác và điều trị một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp” (2005-2007).

Đề tài cấp Nhà nước KC10-06: “Nghiên cứu tình trạng tắc lại, tái hẹp động mạch vành sau can thiệp và các biện pháp để hạn chế” (2007-2010).

Tham gia nhánh Tim mạch của đề tài Nhà nước KC. 04.01/06-10: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác ở người”.

Chủ trì Đề tài cấp Nhà nước - Nghị định thư với Úc: “Hợp tác nghiên cứu sử dụng sóng radio trong điều trị bệnh tăng huyết áp kháng trị”

Đề tài phối hợp với WHO:

- Điều tra dịch tễ Bệnh THA tại miền Bắc Việt Nam (2001-2002).

- Điều tra dịch tễ suy tim ở Việt Nam (2003 - 2004).

+ Triển khai “Chương trình quốc gia về phòng chống tăng huyết áp” trong phạm vi toàn quốc, từ năm 2009. NCKH đã thu hút được lòng say mê hào hứng của cán bộ trong Viện, là động lực chính cho việc tự đào tạo và đào tạo, giúp Viện ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch cho bệnh nhân trong cả nước.

Cứ hai năm một lần Viện Tim mạch phối hợp với Hội Tim mạch Việt Nam tổ chức được tới nay 15 Hội nghị Tim mạch toàn quốc để các bác sỹ trong và ngoài ngành Tim mạch có dịp trao đổi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của một số chuyên gia Tim mạch hàng đầu thế giới. Năm 2017 Hội nghị Tim mạch toàn quốc đã được tổ chức thành công rực rỡ tại thành phố Thanh Hóa, chủ đề “Tiếp cận toàn diện trong chẩn đoán và điều trị suy tim” với hơn 1.000 đồng nghiệp cả nước tham dự

IV. Xây dựng và phát triển hệ thống quản lý

1. Viện Tim mạch quyết tâm thực hiện quản lí chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.

Xã hội ngày phát triển, nhu cầu phục vụ bệnh nhân, đào tạo và nghiên cứu ngày càng cao, đòi hỏi cần cải tiến và ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại theo tiêu chuẩn chất lượng. Ban Lãnh đạo Viện quyết tâm xây dựng và áp dụng hệ thống quản lí chất lượng ISO, với tư tưởng chủ đạo: “Kỹ thuật cao, Chất lượng cao, Hiệu quả cao” với mục tiêu:

- Khám chữa bệnh theo Hệ thống 58 Quy trình chuyên môn tim mạch chuẩn do Viện xây dựng, vừa được Bộ Y tế phê duyệt ngày 03/10/2014 (Quyết định 3983/QĐ-BYT).

- Chuẩn hóa các quy trình quản lý: quy trình làm việc thống nhất giữa các khoa phòng, kiểm soát thời gian và công việc tốt hơn, phân nhiệm rõ người, rõ việc, tăng cường trách nhiệm, phối hợp tốt giữa các khoa, phòng và tính sáng tạo, chủ động của từng cá nhân

- Cải tiến quy trình khám chữa bệnh: Giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, (thông qua thực hiện các quy trình và mục tiêu chất lượng).

- Xây dựng môi trường làm việc khoa học: nhờ công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu tốt hơn, thuận tiện trong giải quyết công việc.

- Nâng cao trình độ quản lý điều hành và năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ nhân viên.

 

2. Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lí chuyên môn và hành chính

Xác định rõ công nghệ thông tin là xương sống của mọi hoạt động, Viện đã thành lập Phòng nghiên cứu khoa học và Công nghệ thông tin tháng 7/2014 và đang tích cực triển khai hệ thống HIS và TeleCardiology.

Năm 2006, lần đầu tiên tại Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm tim mạch quốc gia Singapore tổ chức thành công cầu truyền hình trực tiếp về tim mạch can thiệp.

3. Các Phòng chức năng đã được thành lập

+ Phòng Quản lý chất lượng và nghiệp vụ.

+ Phòng Nghiên cứu khoa học và Công nghệ thông tin.

+ Phòng Đào tạo và chỉ đạo tuyến.

 

V. Hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Viện Tim mạch. Nhiều Bác sỹ của Viện đã được gửi đi đào tạo tại nhiều trung tâm tim mạch lớn trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển,…. Hàng năm Viện tích cực mời đón các chuyên gia tim mạch hàng đầu trên Thế giới đến thăm quan, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo cho đội ngũ cán bộ của Viện và các đồng nghiệp khác, đồng thời cùng triển khai các đề tài nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều Bác sỹ nước ngoài cũng đã đến học tập tại Viện Tim mạch, từ: Singapore, Nhật Bản, Mianma, Philipine, Indonesia, Ethiopia, Lào, Campuchia .... Và mỗi năm hàng chục sinh viên y khoa từ Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan… sang thực tập tại Viện.

Đặc biệt trong năm 2008, Viện Tim mạch phối hợp cùng Hội Tim mạch Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17 thành công tốt đẹp, từ đó nâng cao được vị thế của nước ta về chuyên ngành Tim mạch trong khu vực và trên thế giới, được nhiều bè bạn trên khắp năm châu khen ngợi.



VI. Thực hiện thành công nghị định 43 CP về tự chủ tài chính, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cán bộ viên chức

Tập thể Lãnh đạo Viện luôn có sự đoàn kết thống nhất cao trên cơ sở dân chủ, phát huy năng lực của mọi cán bộ trong Viện để xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, các phương án hạch toán, theo dõi thu chi hợp lý, công khai, minh bạch. Từ năm 2008, Viện đã đi đầu thực hiện nghị định 43 trong Y tế tại bệnh viện Bạch Mai. Đã quản lý tốt nguồn thu và nguồn chi, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Đảm bảo tăng cường chất lượng điều trị, giảm chi phí, tăng thu đủ cho Bệnh viện, bước đầu kiểm soát chặt được nguồn thu từ BHYT và từ bệnh nhân, kiểm soát được các nguồn chi sao cho thật hợp lý. Các nhân viên trong Viện đều đã nâng cao ý thức tiết kiệm, hạn chế lãng phí về điện, nước, thuốc, vật tư ....

Kết quả đã tạo ra được nguồn thu hiệu quả, đóng góp vào các nguồn quỹ của Bệnh viện và nâng cao thu nhập cho CBNV của Viện.

VII. Công tác Đảng và Đoàn thể

1. Công tác Đảng

Chi Bộ Viện Tim mạch hiện có 40 Đảng viên, luôn đi đầu trong mọi công tác.Cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị: xây dựng Viện chuyên khoa sâu, đầu ngành, nâng cao kỹ thuật chuyên môn để đáp ứng ngày càng phát triển của ngành và hội nhập với các nước trong khu vực.

Quan tâm xây dựng Chi Bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng, giữ vững mối đoàn kết thống nhất giữa Đảng và Chính quyền. Phổ biến tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương của Đảng ủy cấp trên đến toàn thể Cán bộ viên chức và Đảng viên. Đề ra nghị quyết của Chi bộ hàng tháng và thực hiện có hiệu quả. Thực hiện tốt Qui chế dân chủ trong Đảng cũng như trong chính quyền. Đảm bảo chế độ sinh hoạt Đảng hàng tháng. Toàn thể cán bộ viên chức và Đảng viên bệnh viện thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.Đạt Chi Bộ “Trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu” liên tục nhiều năm liền. 

2. Công tác Đoàn thể Công đoàn

Công đoàn cơ sở nhiều năm liền đều đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc, được Liên đoàn lao động Bộ Y tế trao tặng bằng khen và nhiều bằng khen công đoàn các cấp.

Chi Đoàn đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền, được tặng bằng khen của Trung Ương Đoàn và nhiều bằng khen của đoàn khối dân chính Đảng, là đơn vị mạnh trong các phong trào, thực hiện thành công tháng thanh niên, mùa hè tình nguyện, đền ơn đáp nghĩ; khám và điều trị miễn phí cho những người có công, người nghèo các vùng sâu vùng xa, trẻ em khuyết tật… Đoàn thanh niên của Viện cũng thường xuyên nhận được các giải thưởng cao nhất trong các Hội thao Sáng tạo tuổi trẻ của Thành phố Hà Nội.

Các đoàn thể trong toàn Viện đã tích cực hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đã triển khai hiệu quả:

+ Khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân nhằm quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh, sự thân thiện, sự thoải mái cho bệnh nhân và người nhà người bệnh đến thăm khám.

+ Phát động chiến dịch 3 không “ Không hút thuốc lá, không nấu ăn trong phòng làm việc và không xả rác bừa bãi trong khuôn viên bệnh viện”.

3. Công tác xã hội

- Viện thường xuyên đi đến các vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, diện chính sách; vận động CBVC ủng hộ đồng bào lũ lụt, gia đình chính sách khó khăn, trẻ em khuyết tật, người mù …

- Phối hợp cùng Hội Tim mạch Việt Nam, thành lập Quỹ vì sức khỏe trái tim Việt Nam để vận động kinh phí cho khám chữa bệnh những bệnh nhân khó khăn, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Các cán bộ của Viện cũng tham gia tích cực vào các hoạt động khám từ thiện ở một số nơi như: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hà Giang... Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, trong tháng 7, Đoàn Viện Tim mạch Việt Nam đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Bắc Quang, tổ chức khám chữa bệnh từ thiện và cấp thuốc miễn phí cho các Thương binh, Bệnh binh và các gia đình chính sách

C. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và giữ vững vai trò Viện quốc gia đầu ngành, tập thể CBVC Viện đặt mục tiêu cho giai đoạn tới:

1. Hoàn thành tốt và vượt mức các nhiệm vụ về khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân tim mạch với định hướng ứng dụng kĩ thuật cao, để nâng cao chất lượng, song song với việc hòa nhập quốc tế, phát triển đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, xứng đáng là Viện tim mạch đầu ngành của cả nước.

2. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động cán bộ Viện thông qua các khóa đào tạo liên tục và công tác nghiên cứu khoa học tại Viện và ở các cơ sở đào tạo khác trong, ngoài nước, phù hợp với định hướng phát triển của Viện và chuyên ngành Tim mạch.

3. Nâng cao chất lượng NCKH ở mọi cấp (cơ sở, Bộ và Nhà nước) với nguyên tắc chủ đạo: sáng tạo, mới và liên hoàn: NCKH phục vụ cho khám chữa bệnh và thông qua nghiên cứu để đào tạo (cho mọi đối tượng từ trung cấp đến sau đại học).

4. Hoàn thiện hệ thống quản lý, các quy trình chuyên môn, quy trình quản lý để tối ưu hóa mọi hoạt động của Viện, phù hợp với sự phát triển không ngừng của khoa học Tim mạch và hệ thống y tế.

5. Tiếp tục thực hiện thiết thực nhất Đề án Bệnh viện vệ tinh Tim mạch đưa cán bộ về giảng dạy trực tiếp tại các địa phương, cũng như giảng dạy ngay tại Viện để chuyển giao thành công các kĩ thuật chăm sóc bệnh nhân tim mạch cho các bệnh viện tỉnh vệ tinh, song song với các công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến thường quy .

6. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống Tăng huyết áp trên phạm vi 63 tỉnh thành trong cả nước và phối hợp tốt với các chuyên ngành khác trong Chương trình quốc gia Phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

7. Tiếp tục triển khai hiệu quả nghị định 43/CP của chính phủ về tự chủ trong quản lý Tài chính, đưa ý thức và kĩ năng quản lý tài chính y tế hợp lý đến từng cán bộ các phòng, ban của Viện, thậm chí đến từng CBVC.

8. Chủ động chuẩn bị tốt phương án triển khai, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thiết bị phù hợp để tiếp nhận tối ưu các cơ sở mới ở tòa nhà 19 tầng đang xây dựng tại Bệnh viện: tập trung cho Trung tâm tim mạch trẻ em theo đúng tinh thần dự án và phát triển kỹ thuật mới (phòng can thiệp - phẫu thuật hybrid, ghép tim...).

9. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Y tế Định hướng Phát triển chuyên ngành Tim mạch trong cả nước phù hợp với mô hình bệnh tật, địa dư, phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền và cả nước (phối hợp với Hội Tim mạch học Việt Nam).

 

D. KẾT LUẬN

Trong 28 năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, song tập thể cán bộ viên chức của Viện Tim mạch đã đoàn kết, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Viện Tim mạch quốc gia đầu ngành. Hy vọng trong thời gian tới, với quyết tâm cao, Viện sẽ phát triển mạnh hơn nữa xứng đáng với lòng tin yêu của người bệnh, của các đồng nghiệp và nhân dân cả nước.

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam