Từ ngày 1/8, tăng giá viện phí tại các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Hôm nay (1/8), các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và 28 tỉnh, thành phố khác sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tăng giá đối với các loại dịch vụ khám, chữa bệnh và hơn 1.900 loại vật tư, thiết bị y tế.

Theo đó, tại Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh được áp dụng với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh.

Tại Hà Nội hiện có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội. Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo bởi các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Hà Nội cũng cho hay, con số 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn Thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả.

Từ ngày 1/8, các bệnh viện công của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ điều chỉnh giá viện phí với người chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh

Tại TP Hồ Chí Minh: Các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ thực hiện từ ngày 1/8/2017; các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện từ ngày 1/10/2017.

Trong đợt điều chỉnh tăng viện phí lần này, khoản viện phí tăng nhiều nhất là giá khám bệnh và giá tiền giường. Dự kiến mức viện phí trung bình sẽ điều chỉnh tăng khoảng 30%.

Với mức thay đổi này, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của thành phố đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 lên 29.000 đồng. Giá tiền giường nội khoa tại bệnh viện hạng 1 từ 80.000 đồng hiện nay sẽ tăng lên đến 199.100 đồng.

Như vậy, giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả. Các bệnh viện công lập sẽ không còn nhận ngân sách cấp cho chi thường xuyên, thay vào đó là từ nguồn thu viện phí.

Theo cơ quan chức năng, việc điều chỉnh viện phí vào đầu tháng 8 này của các bệnh viện công sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân của thành phố vì mức điều chỉnh chỉ tác động nhiều đến người chưa có BHYT. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện 80% người dân thành phố đã có BHYT nên sự điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ chỉ tác động đến gần 20% dân số còn lại. Do đó, người dân chưa có thẻ BHYT cần nhanh chóng tham gia BHYT để được sự chia sẻ về tài chính khi chẳng may ốm đau phải nằm viện…

Nguồn Sức khỏe & đời sống