Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhiều y bác sĩ, trung tâm tim mạch hàng đầu thế giới sẽ tham dự đại hội, trong khuôn khổ chương trình, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tổ chức các khóa đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ và điều dưỡng viên cả nước là những điểm mới của kỳ đại hội năm nay.

Chiều ngày 14/10, Hội tim mạch học Việt Nam đã tổ chức họp báo thông báo Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17. Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 16-18/10  với chủ đề “Tim mạch trong kỷ nguyên mới- Biến thách thức thành cơ hội”.  Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay Hội Tim mạch Việt Nam đã quyết định tổ chức Đại hội và Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 dưới hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Họp báo Đại hội tim mạch Toàn quốc lần thứ 17

Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế ở 4 phân hội lớn trong nước và 5 hiệp hội và bệnh viện quốc tế tham dự.  Thông qua 108 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch học trên toàn thế giới, Hội tim mạch sẽ mang tới 10 kênh hội thảo trực tuyến phát liên tục với hơn 12 kênh đào tạo liên tục cùng 91 phiên báo cáo khoa học. Các kênh đào tạo liên tục là điểm mới của kỳ đại hội lần này, sẽ đem đến cơ hội cho hàng trăm y bác sĩ, điều dưỡng tuyến y tế cơ sở có cơ hội được  đào tạo với các chuyên gia hàng đầu về tim mạch.

Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.  Tổ chức Y tế thế giới  ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân tích luỹ ngày một nhiều. Hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hoá.

Tuy nhiên dịch bệnh COVID-19  đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức với việc các quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả và hạn chế , việc chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh trong dó có bệnh lý tim mạch của người dân cũng bị ảnh hưởng, người dân hạn chế đi  khám bệnh.

PGS. TS Phạm Mạnh Hùng,  Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Quốc gia, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia


Theo PGS. TS Phạm Mạnh Hùng,  Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Quốc gia, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, theo thống kê tại Mỹ, trong 6 tháng đầu xảy ra đại dịch COVID-19, số bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim ở Mỹ giảm 30% so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ tử vong lại tăng lên. “Tại Việt Nam mặc dù chưa có thống kê, nhưng theo các bác sĩ số bệnh nhân đến khám bệnh nói chung và bệnh tim mạch nói riêng tại các cơ sở y tế đã giảm đáng kể”, PGS Hùng nói.  Nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi tâm lý mà ngại đi khám bệnh.  Dịch bệnh COVID-19  đang  đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, nhưng  với phương châm  biến những thách thức đó thành cơ hội, Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

PGS. TS Phạm Mạnh Hùng  cho rằng: “Việc  hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giúp các y bác sĩ ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam  cũng có thể tiếp cận được. Các y bác sĩ tuyến cơ sở  có cơ hội được tiếp cận với các y bác sĩ đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực tim mạch. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thông qua  các bài giảng, trao đổi  trực tuyến với chúng ta”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Tổng thư ký Hội tim mạch học Quốc gia cho rằng, tại Đại hội, các báo cáo viên từ châu Âu, Mỹ, khu vực ASEAN … sẽ tham gia các phiên họp trực tuyến và cung cấp các bài báo cáo mô phỏng giống y phiên họp trực tiếp.  Các đại biểu tham gia hội nghị có thể vào trang web chính thức của Đại hội,  để lựa chọn các kênh để  tham gia trực tiếp vào các phiên họp.

Hội tim mạch là một trong những hội đầu tiên ứng dụng nền tảng họp trực tuyến đề tiến hành một kỳ Đại hội với quy mô lớn, kết nối hàng nghìn chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch ở trong và ngoài nước.  Đại hội sẽ mang đến các bài báo cáo với nhiều chủ đề được quan tâm trong lĩnh vực tim mạch như tăng huyết áp, tim bẩm sinh, suy tim….. Đây là cơ hội giúp các y bác sĩ trao đổi, cập nhật, và đào tạo những kiến thức mới  nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý tim mạch, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng trên khắp cả nước.
Nguồn Sức khỏe đời sống