Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim mạn tính

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký Quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim mạn tính”. Trong đó nêu rõ các triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán, điều trị suy tim - khi nào cần ghép tim...

Theo đó, tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim mạn tính” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

Suy tim là một hội chứng bệnh lý rất thường gặp và là hậu quả của nhiều bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim...

Bình thường, tim và hệ tuần hoàn luôn có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng được nhu cầu ôxy của cơ thể trong các điều kiện hoạt động của cuộc sống. Khi tim bị suy, tim không còn đủ khả năng để cung cấp ôxy (máu) theo nhu cầu của cơ thể nữa. Vì vậy có thể nói rằng, suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu ôxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.

Hướng dẫn đã đưa ra các chẩn đoán và phân độ. Tùy thuộc vào suy tim trái, suy tim phải hay suy tim toàn bộ mà triệu chứng có thể khác nhau.

Việc điều trị suy tim hiện nay bao gồm: Những biện pháp điều trị chung cho tất cả các loại nguyên nhân gây ra suy tim, chế độ không dùng thuốc, dùng thuốc và can thiệp và những biện pháp điều trị đặc biệt áp dụng cho từng trường hợp cụ thể tùy theo nguyên nhân của suy tim.

Cần lưu ý chế độ sinh hoạt

Cũng theo hướng dẫn này, chế độ nghỉ ngơi là một việc khá quan trọng vì góp phần làm giảm công của tim. Tuy nhiên, cần hiểu nghỉ ngơi theo ý nghĩa linh hoạt. Tùy mức độ suy tim mà có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện khác nhau.

Bệnh nhân suy tim nhẹ với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch vẫn cần khuyến khích tập luyện thể lực nhưng không được gắng sức nặng hay thi đấu thể thao.

Khi suy tim nặng hơn cần hoạt động nhẹ hơn và trong trường hợp suy tim rất nặng thì phải nghỉ tại giường theo tư thế nửa nằm nửa ngồi.

Trong trường hợp suy tim mà bệnh nhân phải nằm điều trị lâu ngày, nên khuyến khích bệnh nhân xoa bóp, lúc đầu là thụ động, sau đó là chủ động ở các chi, nhất là hai chi dưới để làm cho máu tĩnh mạch trở về tim được dễ dàng hơn, giảm bớt các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Chế độ ăn giảm muối: Bệnh nhân chỉ được dùng < 3g muối NaCl /ngày, tức là < 1,2g (50 mmol) Na+/ngày.

Chế  độ  ăn  gần  như  nhạt  hoàn  toàn:  Bệnh  nhân  chỉ  được  ăn  <  1,2g  muối NaCl/ngày tức là < 0,48g (20mmol) Na+ /ngày....

Bệnh nhân suy tim cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như: Bỏ thuốc lá, cà phê, giảm cân nặng ở những bệnh nhân béo phì, tránh các xúc cảm mạnh (stress), ngừng những thuốc làm giảm sức bóp của cơ tim nếu đang dùng (ví dụ: các thuốc  chẹn  beta  loại  không  để  điều  trị  suy  tim,  verapamil,  disopyramide, flecainide...), tránh các thuốc giữ nước (như corticoid; NSAID...) và điều trị những yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy tim như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim...

Ảnh minh họa.

Khi nào nên ghép tim?

Hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ rõ, việc thay (ghép) tim được chỉ định cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, đã kháng lại với tất cả các biện pháp điều trị nội, ngoại khoa thông thường. Bệnh nhân dưới 65 tuổi và có khả năng tuân thủ chặt chẽ điều trị.

Phương pháp này chống chỉ định với trường hợp tăng áp lực động mạch phổi cố định; bệnh nhân ung thư đang tiến triển hoặc mới được phát hiện dưới 5 năm; hoặc người có bệnh lý toàn thân tiên lượng nặng (như suy gan, suy thận...).

Ở bệnh nhân suy tim mạn tính, vấn đề giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân suy tim và theo dõi lâu dài là một biện pháp rất quan trọng và mang lại hiệu quả đối với bệnh nhân suy tim mạn tính. Bệnh nhân phải được giáo dục kỹ về lối sống, về chế độ ăn uống, tránh những yếu tố nguy cơ (hút thuốc lá, rượu), tránh các thuốc có hại đến suy tim nhưcorticoid, thuốc chống viêm khác...

Tiếp tục điều trị tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Bệnh nhân cần được chuẩn bị tâm lý, có sự phối hợp tốt trong điều trị và chung sống với bệnh. Bệnh nhân vẫn được khuyến khích tập thể dục đều đặn trong khả năng cho phép. Bệnh nhân cần tự mình theo dõi các diễn biễn sức khỏe và các rối loạn như huyết áp, nhịp tim, triệu chứng lâm sàng, mức độ khó thở... để điều chỉnh và thông báo cho các bác sĩ biết.

Nguồn: Sức khỏe đời sống