Thực tế cho thấy, những người bị bệnh tim mạch nếu có trọng lượng cơ thể phù hợp thì rất tốt cho quá trình hồi phục cơ thể sau khi mắc bệnh, quá gầy hoặc quá béo đều không tốt. Đặc biệt là những người béo, không chỉ tăng gánh nặng cho tim mà còn dẫn đến bệnh tăng huyết áp, gây những tổn thương cho động mạch vành, nguy hiểm tới sức khỏe. Bên cạnh việc dùng thuốc, cách phòng ngừa bằng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp là rất quan trọng mà hiệu quả.
Kiểm soát huyết áp là cách bảo vệ tim. |
Ăn uống hợp lýBố trí bữa ăn một cách hợp lý, tránh ăn quá nhiều mỡ. Tổng nhiệt lượng hấp thu mỗi ngày không nên quá lớn. Đối với những người trên 60 tuổi, nam giới một ngày không nên ăn quá 2.000 - 2.500 Kcal, nữ khoảng 1.700 - 2.100 Kcal, trên 80 tuổi: nam là 1.600 Kcal và nữ 1.400 Kcal.
Nên chọn các loại thức ăn có hàm lượng mỡ, cholesterol thấp, giàu chất xơ và vitamin, hạn chế ăn các đồ ăn có nhiều đường. Nên ăn các thức ăn như rau, củ quả tươi, lương thực phụ (ngô, khoai, sắn...), ăn hoa quả là chính, thường xuyên ăn các thức ăn có nhiều chất vi lượng như canxi, kali, iod, crom, coban, magiê... bởi chúng có tác dụng hạ huyết áp, bảo vệ tim mạch, ngăn chặn các tai biến về động mạch vành. Đó là sữa, tôm, cua cá, đậu đỗ, hành tỏi, cần tây... Khi ăn nên chọn các loại dầu thực vật như: dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu cải, dầu ngô...
Thí nghiệm trên những người bị tăng huyết áp ăn mỗi ngày 1g canxi. Sau 8 tuần, người bệnh đã giảm huyết áp và có tác dụng lâu dài. Do vậy người bệnh tăng huyết áp nên ăn những thức ăn giàu canxi.
Các bác sĩ khuyến cáo: để phòng bệnh tim mạch, những người trên 50 tuổi nên ăn uống theo chế độ sau:
- Hằng ngày uống từ 30 - 50ml rượu vang đỏ (nếu không bị tăng huyết áp).
- Uống nước chè xanh thường xuyên.
- Ăn các loại hoa quả tươi, nhất là những loại có màu đỏ càng tốt. Hàng ngày nên ăn cà chua sạch, ăn sống là tốt nhất.
- Ăn trên 500g rau xanh mỗi ngày.
- Thường xuyên ăn đậu phụ, ngày 1-2 bìa to.
- Hạn chế các loại thịt vì ăn thịt nhiều cơ thể sẽ phải sử dụng nhiều ôxy để chuyển hóa nên dễ mắc bệnh hô hấp và tim mạch. Chỉ ăn khoảng 50 - 100g/ngày hoặc thay bằng cá 150 - 200g/ngày, ăn không quá 3 quả trứng/tuần, nên ăn cách ngày. Tuy nhiên những người thể trạng gầy có thể ăn nhiều hơn so với người béo. Nên ăn cả thịt mỡ và nạc chứ không nhất thiết chỉ ăn thịt nạc vì thịt nạc rất giàu axit amin nhưng khi vào cơ thể có thể bị chất dung môi tác động mà biến thành cysteine có nhiều trong máu, làm động mạch co hẹp lại và gây tắc nghẽn mạch. Do vậy, người có thói quen chỉ ăn thịt nạc tạo ra nhiều cholesterol, dễ bị xơ cứng động mạch hơn so với người có thói quen ăn cả thịt mỡ và thịt nạc. Các nhà dinh dưỡng học cho rằng, trong thịt mỡ có một chất có thể ngăn cản sự lắng đọng cholesterol trong máu cũng như hạn chế sự tích tụ tiểu cầu, cải thiện dinh dưỡng động mạch não, có tác dụng phòng tăng huyết áp. Do vậy, để bảo vệ tim cần phải ăn cả thịt mỡ và thịt nạc. Ngoài ra khi hầm nhừ thịt mỡ, lượng cholesterol sẽ giảm đi một nửa. Tuy nhiên có thể thay thịt mỡ bằng dầu thực vật. Khi ăn thịt nạc cần ăn thêm các loại rau xanh và thực phẩm giàu vitamin B6, B12 có tác dụng giảm lượng cysteine.
- Ăn ít cơm, mỗi bữa ăn 1 - 2 bát cơm.
- Tăng cường ăn bánh mì, nhất là bánh mì đen, khoai tây, ngô, khoai lang...
Rèn luyện cơ thể thích hợp và đều đặn
Vận động luyện tập thích hợp không những có lợi cho cơ thể mà còn làm giảm thiểu tác động của các bệnh tim mạch. Tập luyện thể thao phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình thay thế các tế bào cũ trong cơ thể, tiêu hao bớt chất béo, phòng chống béo phì, đồng thời tăng khả năng điều tiết của hệ tim mạch, ngăn chặn sự phát sinh và phát triển bệnh tim mạch. Chọn các môn thể thao phù hợp với điều kiện và sở thích như: đi bộ, chạy chậm, đạp xe, luyện khí công, thái cực quyền, bơi lội... Số lần tập từ 3 - 5 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Lượng vận động cần phải tăng từ từ, không nên tập nặng ngay từ đầu. Bình thường khi tập luyện, nhịp tim sẽ tăng từ 110 - 120 lần/phút, không có các hiện tượng như chóng mặt, thở dốc, đau tim... Đồng thời sau khi ngừng tập luyện 5 - 10 phút, nhịp tim sẽ trở lại bình thường như trước khi vận động là cách luyện tập có hiệu quả nhất. Tập luyện nơi có ánh sáng mặt trời, không nên tập vào buổi sáng sớm quá lạnh, ẩm thấp và có nhiều sương mù. Không nên tập lúc no hoặc đói vì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Nhiều người do không chịu được cường độ luyện tập, lượng máu lên não không đủ, gây ra hiện tượng đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp rất nguy hiểm.
Chú ý: Nếu trong lúc tập luyện thấy có hiện tượng của bệnh tim mạch như chóng mặt, tức ngực, thở dốc, buồn nôn, ra mồ hôi nhiều thì cần nghỉ ngơi tại chỗ, đồng thời ngậm dưới lưỡi viên nitroglycerin mà người bệnh tim luôn phải nhớ mang theo người. Sau đó nên đến bác sĩ tim mạch khám để tìm nguyên nhân và điều trị, nếu muốn tập luyện tiếp phải hỏi ý kiến bác sĩ.
Người bệnh tim nên thực hiện những điều sau
- Sinh hoạt hàng ngày phải điều độ. Đảm bảo giấc ngủ, đảm bảo tinh thần vui vẻ, tránh những xúc động về mặt tinh thần, tránh bị stress mạn tính.
- Tích cực điều trị các bệnh có liên quan với bệnh tim mạch như: đái tháo đường, mỡ trong máu, tăng huyết áp... Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh tim mạch và thúc đẩy bệnh phát triển nhanh và có thể gây đột tử.
- Người bệnh tim phải sử dụng thuốc đúng cách, phải chú ý tác dụng phụ của thuốc, cần sử dụng thuốc lâu dài và linh hoạt, điều chỉnh liều lượng và loại thuốc thích hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Sức khỏe và đời sống