VOV.VN - Nhờ được chuyển giao những kỹ thuật về tim mạch và tim mạch can thiệp, hàng trăm bệnh nhân không phải lên tuyến trên mà được cấp cứu tại tuyến dưới.
Sáng 22/12, tại Ninh Bình, Bộ Y tế phối hợp với BV Bạch Mai tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch giai đoạn 2013-2015.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch cho biết, tim mạch là một trong những chuyên ngành quá tải ở Việt Nam. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch của các bệnh viện vệ tinh đã có những thay đổi, những mục tiêu của cả bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh đều đạt được.
Mặc dù vậy, theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi, để việc thực hiện Đề án hiệu quả, việc lựa chọn bệnh viện vệ tinh cần dựa vào các yếu tố địa lý, kinh tế, văn hóa- xã hội mới đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, việc khảo sát, đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… của các bệnh viện vệ tinh cần được thực hiện cẩn thận và chi tiết, từ đó xây dựng chiến lược phát triển chuyên ngành cho từng bệnh viện vệ tinh.
Đặc biệt sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, sự quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ bệnh viện vệ tinh là yếu tố quyết định sự thành công của Đề án BV vệ tinh.
Thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện vệ tinh, thông qua việc tăng cường đào tạo chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám chữa bệnh từ xa bằng công nghệ Telemedicine, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện Đề án Bệnh viện Vệ tinh chuyên ngành tim mạch với 6 bệnh viện vệ tinh là bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội.
Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, Viện Tim mạch- Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo và chuyển giao 8 gói kỹ thuật cho 6 bệnh viện, đào tạo cho hơn 1.000 bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng.
Qua hơn 2 năm thực hiện, thông qua việc đào tạo tại tỉnh, chuyển giao kỹ thuật tại Viện Tim mạch, luân phiên hỗ trợ và hỗ trợ cấp cứu tim mạch tại bệnh viện vệ tinh, chuyên ngành tim mạch của các bệnh viện vệ tinh đã có những thay đổi đáng kể.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết, trước đây, bệnh viện chỉ điều trị nội khoa và cấp cứu tim mạch cơ bản, nhưng khi thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, các cán bộ y tế bệnh viện đã được nâng cao trình độ lên rất nhiều.
Hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch đã được cấp cứu và được thực hiện các kỹ thuật tim mạch can thiệp kịp thời, hạn chế tử vong, tai biến vì mất thời gian vàng khi di chuyển lên tuyến trên.
Theo dự kiến ban đầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh chỉ đặt mục tiêu là thành lập khoa Nội - Tim mạch, song đến nay khoa Tim mạch đã được thành lập.
Trong khuôn khổ Hội nghị, dưới sự chứng kiến của GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch và các đại biểu đến từ các bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai, các bác sỹ, kỹ thuật viên bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã thực hiện ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhân nam 43 tuổi.
Đây là bệnh nhân có tổn thương mạch vành dài, theo chỉ định của các bác sỹ bệnh nhân cần đặt 2 stent. Nếu như trước đây bệnh nhân bị các bệnh mạch vành phải lên tuyến trên 2 năm nay các bệnh nhân đã được can thiệp và điều trị ngay tại BV. Sau 2 năm thực hiện Đề án BV vệ tinh chuyên ngành tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã thực hiện được hơn 200 ca đặt stent và chụp mạch vành cho hàng trăm bệnh nhân.
Theo nghiên cứu của thế giới, bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong cao, trong 100 ca tử vong có 33 ca tử vong do các bệnh lý về tim mạch. Tại Việt Nam theo kết quả điều tra tại Đà Nẵng có tỷ lệ là 39,6/100.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Đề án Bệnh viện vệ tinh sẽ mở rộng ra 63 tỉnh thành góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới./.