Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hướng tới trở thành Bệnh viện vệ tinh về tim mạch


Chị Chíu Nhì Múi (thôn Quế Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) bị block nhĩ thất độ 2, có suy tim. Bởi vậy, chị thường xuyên bị ngất, sức khoẻ ngày càng yếu. Vào điều trị tại Khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh), nhịp tim của chị chỉ còn 39 nhịp/phút. Sau khi tư vấn, ngày 25-12-2013, chị đã được các bác sĩ của Bệnh viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) và bác sĩ Khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh) phẫu thuật đặt máy tạo nhịp 2 băng. Hiện chị đã được xuất viện. Anh Lý Tiến Hiếu, chồng chị Múi cho biết: "Sức khoẻ vợ tôi hiện rất tốt. Trước yếu, không đi lại được, nay đã khoẻ mạnh, làm được các công việc đồng áng. Vợ chồng tôi cám ơn các bác sĩ rất nhiều".

Chị Chíu Thị Múi chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân bị bệnh tim được các bác sĩ của Khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh) áp dụng các kỹ thuật cao để điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Khoa Tim mạch từ khi thực hiện các bước chuẩn bị để trở thành Bệnh viện vệ tinh về tim mạch của Bệnh viện Tim mạch Việt Nam, Khoa đã có nhiều chuyển biến về nhân lực, kỹ thuật… Đầu năm 2014, Khoa Tim mạch hô hấp của BVĐK tỉnh đã tách riêng Khoa Tim mạch với 50 giường bệnh. Trong số 22 cán bộ, nhân viên của Khoa thì 10 là bác sĩ. Trang thiết bị của Khoa đã được Bệnh viện tập trung đầu tư khá hiện đại, như: Máy thở, hệ thống holter điện tim, huyết áp, máy shock điện kèm máy tạo nhịp ngoài, máy siêu âm doppler màu 2D, monitoring… Để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện đã cử bác sĩ của Khoa đi học siêu âm tim, siêu âm mạch máu, cấp cứu tim mạch… Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa cho biết: "Trong năm nay, Khoa tiếp tục cử bác sĩ đi đào tạo can thiệp mạch, đặt máy tạo nhịp và phẫu thuật tim và mạch máu. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Bệnh viện Tim mạch Việt Nam sẽ đến BVĐK tỉnh cùng thực hiện việc thăm, khám, chẩn đoán và chuyển giao kỹ thuật…".

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đến nay, Khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh) đã thực hiện được các kỹ thuật: Đặt máy catheter tĩnh mạch trung tâm; đặt nội khí quản; thở máy; chọc dẫn lưu dịch màng tim, màng phổi; shock điện cấp cứu rung thất; đặt máy tạo nhịp cấp cứu tạm thời… Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cũng đã thực hiện được các kỹ thuật cận lâm sàng liên quan đến bệnh tim, mạch như: Xét nghiệm khí máu đông mạch, xét nghiệm miễn dịch, chụp cắt lớp 128 lát, siêu âm 4D, 2D, chụp cộng hưởng từ… Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được điều trị bệnh một cách kịp thời. Bình quân mỗi năm, Bệnh viện đón tiếp và điều trị cho khoảng 1.540 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch.

Theo thạc sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc BVĐK tỉnh: "Từ năm 2014, đơn vị triển khai dự án "Đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá trang thiết bị y tế cho bệnh viện, sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Áo". Tổng mức đầu tư của Dự án này là 330 tỷ đồng. 2/3 trong số này sẽ được sử dụng để đầu tư trang thiết bị phục vụ chuyên khoa tim mạch và xây dựng khu phẫu thuật tim hở, tim mạch can thiệp. Như vậy đến năm 2015, BVĐK tỉnh sẽ có đầy đủ trang thiết bị hoàn chỉnh cho một trung tâm Cathleb và tim mạch can thiệp với những trang thiết bị tiên tiến nhất".

Hiện nay, số bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch ngày càng có chiều hướng gia tăng. Các loại bệnh thường gặp nhất là: Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh van tim, suy tim do nhiều nguyên nhân khác nhau… Việc BVĐK tỉnh trở thành Bệnh viện vệ tinh về tim mạch của Bệnh viện Tim mạch Việt Nam sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao một cách thuận lợi, góp phần kéo dài và mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.