Nghiên cứu hiệu quả hạ áp của thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II trên bệnh nhân tăng huyết áp

TÓM TẮT

Giới thiệu: Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II ra đời sau và tỏ ra có nhiều   ưu  điểm trong việc điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên nghiên cứu hiệu quả hạ áp và tác dụng phụ của thuốc trong việc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp mức
độ  vừa  ở Việt Nam vẫn còn cần được khảo sát thêm.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 37 bệnh nhân gồm 20 nữ và 17 nam (tuổi trung bình 67,89 ± 13,8), được chẩn đoán tăng huyết áp nguyên phát mức độ vừa, về hiệu quả hạ huyết áp và tác dụng phụ sau 6h, 12h. 24h uống 80mg Valsartan.

Kết quả: Sau 6h dùng thuốc HATT giảm 18,2 ± 9,4mmHg, HATTr giảm 6,9 ± 8,0 mmHg, HATB giảm 10,7 ± 6,5mmHg (p < 0,001). Mức giảm này duy trì ở thời điểm 12h sau dùng thuốc và tăng nhẹ trở lại tại thời điểm 24h sau dùng thuốc. So với lúc dùng thuốc, tại thời điểm sau 24h HATT, HATTr, HATB đều giảm có ý nghĩa thống kê: HATT giảm nhiều nhất với 13,2 ± 9,8mmHg. HATTr giảm 4,3 ± 8,2mmHg. HATB giảm 7,3 ± 7,2mmHg (p<0,01).

Có 2/37 bệnh nhân có triệu chứng đau đầu trong thời gian theo dõi sau dùng thuốc. Không ghi nhận ho khan, phù mạch, hạ huyết áp liều đầu ở các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu.

Kết luận: Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (Valsartan) có tác dụng hạ huyết áp an toàn trên bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa, hiệu quả hạ huyết áp kéo dài đến 24h và có ít tác dụng phụ.

Từ khóaTăng huyết áp, ức chế thụ thể angiotensin II.

ABSTRACT

STUDY THE ANTIHYPERTENSIVE EFFECT OF ANGIOTENSIN II RECEPTOR ANTAGONISTS

Nguyen Van Đong1 Nguyen Anh Vu2

Background:  The angiotensin II receptor antagonists show a lot of advantages in the treatment of hypertension. However, the study of antihypertensive effect and side effects of the drug in the treatment of patients with moderate hypertension in Vietnam still has not been given sufficient attention.

Populaion and methode: Research conducted on 37 patients including 20 women and 17 men (mean age 13.8 ± 67.89), was diagnosed with moderate primary hypertension. We evaluated the antihypertensive efficacy and side effects at 6h, 12h and 24h with 80mg Valsartan.

Results: After 6 h Valsartan SAP decreased by 18.2 ± 9.4 mmHg, DAP decreased by 6.9 ± 8.0 mmHg, MAP decreased by 10.7 ± 6.5 mmHg (p < 0.001). This reduction was maintained at 12 hours after dosing time and increased slightly again at 24 hours after. SAP, DAP, MAP are statistically decreased after 24h: decreased SAP 13.2 ± 9.8 mmHg, decreased DAP 4.3 ± 8.2 mmHg and decreased MAP 7.3 ± 7.2 mmHg (p < 0.01). There are 2/37 patients with headache symptoms during follow-up after taking the drug. There are not recorded dry cough, angioedema, first dose hypotension in patients in the study group.

Conclusion: The angiotensin II receptor antagonists (Valsartan) has antihypertensive safety effect on patient with moderate hypertension, antihypertensive effect lasts up to 24 hours and has less side effects.

KeywordsHypertension; angiotensin II receptor antagonists.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch thường gặp và tần suất ngày càng tăng, nhất là ở các nước đang phát triển. Trên thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp chiếm 8 - 37% dân số, thay đổi tuỳ theo các nước. Ở Việt Nam tần suất tăng huyết áp ngày càng gia tăng khi nền kinh tế phát triển với tần suất tăng huyết áp năm 2008 là 25,1% [3,9].

Việc điều trị liên tục, hiệu quả là một yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II có tác dụng hạ áp tương đương các nhóm khác đồng thời không gây ho khan như nhóm ức chế men chuyển hay gây phù như nhóm chẹn kênh canxi. Vì vậy, thuốc hiện đang là thuốc điều trị tăng huyết áp có tỷ lệ tuân trị cao nhất [7]. Tuy nhiên nghiên cứu hiệu quả hạ áp và tác dụng phụ của thuốc trong việc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa ở Việt Nam vẫn còn chưa được quan tâm đầy đủ.

Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu hiệu quả hạ áp của thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II trên bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa” nhằm hai mục tiêu:

- Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng và các yếu tố nguy cơ tim mạch trên bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa.

- Đánh giá hiệu quả điều trị, tác dụng phụ của thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát mức độ vừa.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng

37 bệnh nhân nhập viện tại khoa nội Tim mạch, bệnh viện Trung ương Huế được chẩn đoán là THA nguyên phát mức độ vừa, điều trị bằng Diovan 80 mg (Valsartan) đơn thuần. Thời gian: Tháng 9/2012 – 3/2013.

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh

Chẩn đoán THA nguyên phát mức độ vừa theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam 2008. Được điều trị bằng Diovan 80 mg đơn thuần.

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

THA thứ phát. Dùng thuốc điều trị THA khác trong thời gian nghiên cứu. THA không phải nguyên phát mức độ vừa theo phân độ của Hội Tim mạch Việt Nam. Từ chối tham gia nghiên cứu.

2.1.3. Tiêu chuẩn về thuốc

Diovan (Valsartan) dạng viên nén, hàm lượng 80mg do hãng Novartis, Australia sản xuất. Thuốc còn hạn sử dụng, chưa bóc vỏ, không bị oxy hóa, không vỡ vụn, chảy nước. Thời gian nghiên cứu là trong vòng 24 giờ từ khi bắt đầu dùng thuốc.

2.1.4. Phương pháp chọn bệnh nhân

Lựa chọn những bệnh nhân có THA, sau đó tuyển lọc những bệnh nhân THA nguyên phát mức độ vừa (theo phân loại của hội tim mạch Việt Nam 2008). 

Bảng 1. Phân độ THA [1]


2.2. Phương pháp nghiên cứu

Tiến hành nghiên cứu tiến cứu ngắn hạn, theo dõi dọc.

2.2.1. Phương pháp chọn mẫu 

Mẫu thuận tiện.

2.2.2. Phương tiện kĩ thuật

Máy đo HA ALPK2, Nhật Bản. Ống nghe ALPK2, Nhật Bản. Thước dây thợ may để đo vòng bụng, vòng mông. Cân bàn kèm thước để đo chiều cao, cân nặng.

2.2.3. Phương pháp tiến hành

 Thiết kế phiếu điều tra: Các bước tiến hành nghiên cứu

- Bước 1: Khám lâm sàng, đo HA, chọn đối tượng bệnh nhân theo tiêu chuẩn đã nêu trên.

+  Hỏi bệnh và ghi vào phiếu điều tra: Họ tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, ngày vào viện, tiền sử hút thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn, tiền sử gia đình, tiền sử THA bản thân, các thuốc đã điều trị và sử dụng thuốc có thường xuyên hay không.

+  Khám:

· Đo chiều cao, cân nặng. Tính chỉ số BMI.

· Đo vòng bụng, vòng mông.

· Đếm tần số tim.

· Ghi các thông số vào phiếu điều tra.

- Bước 2: Cho bệnh nhân uống thuốc:

+ Liều lượng: Diovan (Valsartan) 80mg x 01 viên uống/ ngày

- Bước 3: Khám lâm sàng, đếm nhịp tim, đo HA sau 6 giờ, 12 giờ, 24 giờ dùng thuốc. Theo dõi và ghi nhận các tác dụng phụ. Bổ sung vào phiếu điều tra ở trên. 

2.2.4. Xử lý số liệu

Số liệu được thu thập và xử lý bằng phần mềm SPSS 15.0.

2. KẾT QUẢ

2.1. Đặc điểm của mẫu nghiên cứu

Lấy mẫu thuận tiện từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013 thu được 37 bệnh nhân đáp ứng đúng tiêu chuẩn nhận bệnh, bao gồm 20 bệnh nhân nữ (54,1%) và 17 bệnh nhân nam (45,9%). Tuổi trung bình là 67,89 ± 13,8 tuổi. Bệnh nhân là người già, mất sức lao động, chiếm tỷ  lệ 62,2%. Nhóm bệnh nhân có BMI trung bình chiếm tỷ lệ: 48,7%.

100% bệnh nhân nữ trong nghiên cứu đều có tỷ lệ VB/VM cao hơn bình thường. Tỷ lệ này là 23,5% ở nam giới.(p < 0,001).

Có 11 bệnh nhân chiếm 29,7% có nguy cơ tim mạch trung bình: THA mức độ vừa có từ 1-2 yếu tố nguy cơ. Có 24 bệnh nhân chiếm 70,3% có nguy cơ tim mạch cao: THA mức độ vừa có từ 3 yếu tố nguy cơ trở lên.

Có 29 bệnh nhân từng phát hiện THA trước đó, chiếm tỷ lệ 78,4%. Trong số 29 bệnh nhân từng phát hiện THA thì có 22 (75,9%) bệnh nhân có điều trị, tuy nhiên chỉ có 12 (54,5%) bệnh nhân trong số đó điều trị thường xuyên.

2.2. Kết quả điều trị

Bảng 2. Kết quả huyết áp sau 6 giờ điều trị

  

Bảng 3. Kết quả huyết áp 6 giờ tiếp theo

    

Bảng 4. Kết quả sau 24 giờ điều trị


Biểu đồ 1. Sự thay đổi huyết áp sau dùng thuốc tại các thời điểm


Bảng 5.  Kết quả tần số tim trước và sau điều trị


Về tác dụng phụ: Có 2 trường hợp thông báo bị đau đầu khi dùng thuốc, chiếm tỷ lệ 5,4%. Không ghi nhận trường hợp nào bị hạ HA liều đầu, ho, phù mạch, rối loạn tiêu hóa hay bất cứ dấu hiệu gì khác.

3. BÀN LUẬN

Trong 37 bệnh nhân, có 20 nữ, 17 nam, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 67,89 ± 13,8 tuổi. Độ tuổi này tương đương với các nghiên cứu khác như của Hồ Quang Nhật là 66,67 ± 23,33 tuổi, Nguyễn Đoàn Thanh Phượng là 65,74 ± 14,36 tuổi. [2,3].

Đánh giá mức độ nguy cơ tim mạch phụ thuộc vào mức độ THA và số yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân. Có 11 bệnh nhân chiếm 29,7 có nguy cơ tim mạch trung bình. Có 24 bệnh nhân chiếm 70,3% có nguy cơ cao. 

Trong số 29 bệnh nhân từng phát hiện THA thì có 22 (75,9%) bệnh nhân có điều trị, tuy nhiên chỉ có 12 (54,5%) bệnh nhân trong số đó điều trị thường xuyên. Khảo sát ở Mỹ từ năm 2007 - 2010 cho kết quả có 74,9% bệnh nhân biết mình bị THA có điều trị, với mức độ tuân thủ là 52,5% [6]. Trong khi nghiên cứu ở Việt Nam thống kê năm 2008 cho thấy tỷ lệ điều trị đạt 61,1% và chỉ có 36,3% trong số đó khống chế HA đạt yêu cầu[5]. Như vậy tỷ lệ của chúng tôi tương đương với tỷ lệ ở Mỹ, và hơi cao hơn so với nghiên cứu trong nước, theo chúng tôi sự chênh lệch này là do những bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đều là bệnh nhân THA mức độ vừa, đa số có nguy cơ tim mạch cao, nên ý thức tốt hơn về sự cần thiết của việc điều trị THA. Thời điểm sau 6h dùng thuốc, cả 3 chỉ số HA đều giảm có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 HATT giảm 18,2 ± 9,4mmHg, HATTr giảm 6,9 ± 8,0mmHg, HATB giảm 10,7 ± 6,5mmHg. Kết quả này cũng tương tự  với các nghiên cứu của Hồ Quang Nhật  trên  Tanatril  và         Nguyễn Đoàn Thanh Phượng trên Amlodipine.[2,3]

Tại thời điểm sau 12h dùng thuốc, huyết áp không có sự khác biệt với thời điểm 6h, và giảm so với ban đầu trung bình là 17/5,7 mmHg. Heran BS và cs. vào năm 2008 tổng hợp 46 nghiên cứu khác nhau về thuốc ức chế thụ thể cho kết quả là hiệu quả hạ huyết áp của các thuốc ức chế thụ thể trên THA nguyên phát sau khi uống thuốc từ 1 - 12h trung bình là 12/7 mmHg [8]. Như vậy so với nghiên cứu của chúng tôi là hoàn toàn tương đồng. 

Thời  điểm 24h sau dùng thuốc so với HA vào viện thì HATT giảm 13,2 ± 9,8mmHg, HATTr giảm 4,3 ± 8,2mmHg. Có sự tăng lên lại của HA so với thời điểm 12h sau dùng thuốc là do thuốc được đào thải, gây giảm bớt tác dụng hạ HA. Điều này phù hợp cho việc uống viên thuốc tiếp theo của bệnh nhân. Như vậy Valsartan có thể dùng với liều 1 viên 80mg ngày để điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa.

Mức hạ huyết áp không có sự khác biệt về giới, nhóm tuổi, BMI.

Thuốc không làm thay đổi tần số tim khi điều trị. Tác dụng phụ được báo cáo ở 2/37 bệnh nhân với triệu chứng đau đầu. Tuy nhiên chúng tôi ít nghĩ đến khả năng đau đầu này là do thuốc gây ra. Thuốc không gây ho khan, phù mạch hay hạ huyết áp liều đầu.

Kết luận: Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (Valsartan) có tác dụng hạ huyết áp an toàn trên bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa, hiệu quả hạ huyết áp kéo dài đến 24h và có ít tác dụng phụ.