TÓM TẮT.
Mục đích: Chúng tôi nghiên cứu đặc điểm rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân có hội chứng vành cấp trong giai đoạn sớm qua theo dõi Holter điện tâm đồ.
Phương pháp và kết quả: 40 bệnh nhân với 28 nam và 12 nữ, tuổi trung bình 65 ± 16 được chẩn đoán hội chứng vành cấp được ghi Holter điện tâm đồ từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 trong quá trình nằm viện. Chúng tôi ghi nhận 20 % bệnh nhân có ngoại tâm thu thất; 2,5% bệnh nhân có tim nhanh thất không bền bỉ; 12,5% bệnh nhân có rung nhĩ; 5% bệnh nhân có tim nhanh nhĩ; 7,5% bệnh nhân có blốc nhĩ thất các loại.
Kết luận: Rối loạn nhịp là thường gặp trên bệnh nhân có hội chứng vành cấp trong giai đoạn sớm.
ABSTRACTS
Objects: We investigated the characters of arrhythmia in patients (pts) with acute coronary syndrome in early stage by ECG Holter.
Method and Results: 40 pts (28 male and 12 female) aged 65 ± 16 years with acute coronary syndrome were done ECG holter from day 2 to day 7 during the hospitalization. ECG Holter revealed 20% of pts with premature ventricular complexes; 2,5% of pts with non-sustained ventricular tachycardia; 12,5% of pts with atrial fibrillation; 5% of pts with atrial tachycardia; 7,5% of pts with AV block.
Conclusion: Arrhythmia is very common in patients with acute coronary syndrome in early stage.
ĐẶT VẤN ĐỀ.
Hội chứng vành cấp ngày càng trở lên một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam. Theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới, hội chứng vành cấp chiếm từ 66-77/100.000 dân [1-3]. Theo nghiên cứu của Nguyễn Lân Việt, tỷ lệ hội chứng vành cấp nhập Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam chiếm 4,6% [4].
Theo Guideline hướng dẫn điều trị hội chứng vành cấp, tái tưới máu bằng các biện pháp can thiệp hoặc bằng thuốc là cần thiết [5]. Tuy nhiên, không may do điều kiện kinh tế của Tỉnh Bắc Giang đã không cho phép tất cả các bệnh nhân (bn) có thể sử dụng các phương pháp điều trị này. Một số lượng lớn các bệnh nhân hội chứng vành cấp do điều kiện kinh tế đã chỉ có thể điều trị nội khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Rối loạn nhịp là khá thường gặp và là nguyên nhân tử vong hành đầu ở những bệnh nhân có hội chứng vành cấp [6-9]. Holter điện tâm đồ trong 24 giờ là phương tiện khá hữu hiệu ghi lại các rối loạn nhịp này. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “đặc điểm rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân hội chứng vành cấp trong giai đoạn sớm qua theo dõi holter điện tâm đồ” .
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
Bệnh nhân: 40 bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng vành cấp vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tỉnh Bắc Giang từ 12/2013 đến tháng 5/2014. Trong đó có 18 bệnh nhân là nhồi máu cơ tim cấp và 22 bệnh nhân là cơn đau thắt ngực không ổn định.
Quá trình ghi Holter: Bệnh nhân sẽ được đeo Holter điện tâm đồ 24 giờ từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 trong quá trình nằm viện.
Hệ thống máy ghi Holter: BTL với phần mềm MEW.
Các thông số đánh giá: Tất cả các hiện tượng rối loạn nhịp được ghi lại và được đánh giá.
Xử lý số liệu: Các số liệu của nghiên cứu đều được nhập và xử lý theo các thuật toán thống kê trên máy tính với sự trợ giúp của phần mềm SPSS for Windows version 16.0. (SPSS. Inc South Wacker Drive, Chicago, IL).
KẾT QUẢ.
40 bệnh nhân với 28 bệnh nhân nam và 12 bệnh nhân nữ với tuổi trung bình 65 ± 16 tuổi (tuổi lớn nhất là 85 tuổi, tuổi nhỏ nhất là 40 tuổi). Trong đó có 18 bệnh nhân là nhồi máu cơ tim cấp và 22 bệnh nhân là cơn đau thắt ngực không ổn định. Đặc điểm lâm sàng nhóm bệnh nhân nghiên cứu được trình bày ở bảng 1.
Bảng 1. Đặc điểm lâm sàng nhóm bệnh nhân nghiên cứu |
Thông số | |
Tuổi (năm) | 65 ± 16 |
Giới (Nam/Nữ) | 28 bn/12 bn |
Nhồi máu cơ tim/Đau ngực không ổn định | 18 bn/ 22 bn |
Tần số tim trung bình (c/phút) | 91.2 ± 28.3 |
Tăng huyết áp (số bệnh nhân/%) | 27bn / 67% |
Đái tháo đường (số bệnh nhân/%) | 15bn/ 37% |
Rối loạn lipid máu (số bệnh nhân/%) | 22bn /55% |
Hội chứng chuyển hóa (số bệnh nhân/%) | 5bn/ 12% |
Nghiện thuốc lá (số bệnh nhân/%) | 28 bn/ 70% |
Các rối loạn nhịp ghi đươc trên Holter điện tâm đồ 24 giờ được trình bày ở bảng 2.
Bảng 2. Các rối loạn nhịp ghi trên Holter điện tâm đồ 24 giờ. |
Thông số | |
Ngoại tâm thu thất (số bệnh nhân/%) | 8 bn (20%) |
Nhịp nhanh thất không bền bỉ (số bệnh nhân/%) | 1 bn (2,5%) |
Rung nhĩ (số bệnh nhân/%) | 5 bn (12,5%) |
Tim nhanh nhĩ (số bệnh nhân/%) | 2 bn (5%) |
Blốc nhĩ thất các loại (số bệnh nhân/%) | 3bn (7,5%) |
Trong 5 ca rung nhĩ có 4 ca là rung nhĩ cơn và 1 ca là rung nhĩ kéo dài trong cả 24 giờ theo dõi holter. 2 ca tim nhanh nhĩ đều là cơn tim nhanh nhĩ ngắn. Trong 3 ca Blốc nhĩ thất có 1 ca là blốc nhĩ thất cấp III kéo dài và 2 ca là blốc nhĩ thất cấp I. Ca blốc nhĩ thất cấp III đã được chúng tôi cấy máy tạo nhịp tạm thời.
BÀN LUẬN.
Tỷ lệ rối loạn nhịp thất trong nghiên cứu của chúng tôi là 20%. Tỷ lệ này tương tự như một số nghiên cứu trên thế giới [10-11]. Nghiên cứu của chúng tôi không xác định được có bao nhiêu bệnh nhân trước đó có ngoại tâm thu thất lành tính (có trước khi bị hội chứng vành cấp). Bởi ngoại tâm thu thất trên bệnh nhân không có bệnh tim thường không đe dọa tính mạng [12-13]. Tuy nhiên, ngoại tâm thu thất này cao hơn hẳn khi so với tỷ lệ người bình thường không có hội chứng vành cấp [14]. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy ngoại tâm thu thất hoặc tim nhanh thất không bền bỉ làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân hội chứng vành cấp [15-17]. Thật không may, việc điều trị các rối loạn nhịp bằng các thuốc chống loạn nhịp đã không làm giảm tỷ lệ tử vong toàn bộ cho bệnh nhân có hội chứng vành cấp [18-19]. Thậm trí ngay cả dùng máy chống rung tự động (ICD) cho giai đoạn sớm của hội chứng vành cấp cũng không làm giảm tỷ lệ tử vong toàn bộ cho bệnh nhân [20].
Tỷ lệ rung nhĩ của chúng tôi là 12,5% có cao hơn chút ít so với các nghiên cứu nước ngoài [21-22]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, đa phần các bệnh nhân là rung nhĩ cơn. Với các rung nhĩ cơn đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng lâm sàng nào trợ giúp cho việc sử dụng các thuốc chống loạn nhịp để dự phòng tái phát rung nhĩ để duy trì nhịp xoang trong hội chứng vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Các thuốc được dùng chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong như chẹn bêta và ức chế men chuyển có thể cũng làm giảm tỷ lệ rung nhĩ ở bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp [23-24]. Chúng tôi chỉ có một ca có rung nhĩ kéo dài trong 24 giờ theo dõi holter. Với ca bệnh này, việc chuyển nhịp bằng thuốc chống loạn nhịp hoặc sốc điện vẫn còn nhiều tranh cãi. Có rất ít các bằng chứng về sử dụng amiodarone cho bệnh nhân rung nhĩ sau hội chứng vành cấp. Chỉ có một nghiên cứu nhỏ [25] cho thấy không có sự khác biệt khi so sánh tái lập nhịp xoang so với khống chế tần số. Một số nghiên cứu không cho thấy khác biệt về tỷ lệ tử vong khi so sánh điều trị amiodarone với không điều trị các thuốc chống loạn nhịp [26]. Tương tự như vậy, đến hiện nay không có các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của sốc điện đồng bộ để tái lập nhịp xoang ở những bệnh nhân có hội chứng vành cấp.
Về tỷ lệ blốc nhĩ thất, nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài khác [27]. Với những bệnh nhân blốc nhĩ thất cấp III chỉ định đặt máy tạo nhịp là nên làm ở những bệnh nhân này [28].
Do số lượng bệnh nhân hạn chế, chúng tôi đã không thể nghiên cứu về sự khác biệt về rối loạn nhịp giữa nhồi máu cơ tim và cơn đau thắt ngực không ổn định.
KẾT LUẬN.
Rối loạn nhịp là thường gặp trên bệnh nhân có hội chứng vành cấp trong giai đoạn sớm. Rối loạn nhịp thường thấy là ngoại tâm thu thất và rung nhĩ.