Có một số thuốc dùng điều trị bệnh thông thường, đôi khi không cần đơn của bác sĩ nhưng lại có tác dụng phụ trên tim mạch như gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh... Nếu dùng sẽ làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch vốn có của người bệnh, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng. Vậy đó là các thuốc nào?
Thuốc điều trị nghẹt mũi
Nghẹt mũi là triệu chứng rất thường gặp. Các thuốc thông mũi sẽ làm giảm triệu chứng của nghẹt mũi do dị ứng hay cảm lạnh thông thường. Thuốc sẽ giúp co niêm mạc mũi qua hiệu ứng co mạch của thuốc. Hai thành phần dùng đường uống trị nghẹt mũi là pseudoephedrine và phenylephrine.
Một số loại thuốc thông thường có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.
Pseudoephedrine là thuốc giống thần kinh giao cảm chống sung huyết mũi đường toàn thân, còn phenylephrine là thuốc cường giao cảm alpha 1. Cả hai thuốc này đều có tác dụng co mạch, chống sung huyết mũi nhưng lại gây tăng huyết áp và làm rối loạn nhịp tim. Cụ thể, pseudoephedrin có tác dụng chống sung huyết từ từ nhưng kéo dài giúp làm co niêm mạc bị sung huyết ở đường hô hấp trên. Thuốc được dùng để giảm các triệu chứng đi kèm với viêm mũi dị ứng và chứng cảm lạnh thông thường bao gồm nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi, ngứa và chảy nước mắt… nhưng lại có tác dụng phụ là làm nhịp tim nhanh và tăng huyết áp. Phenylephrine ngoài tác dụng gây tăng huyết áp thì lại gây nhịp tim chậm do phản xạ, làm giảm thể tích máu trong tuần hoàn, giảm lưu lượng máu qua thận cũng như giảm máu vào nhiều mô và cơ quan của cơ thể (nên không dùng cho người bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng…).
Đối với các thuốc nhỏ, xịt tại chỗ (ví dụ oxymetazolin, phenylephrine và naphazolin), do có tác dụng làm co mạch nên cũng có cảnh báo không sử dụng cho bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao, do dược chất có thể được hấp thu vào máu và gây tác dụng toàn thân, có thể nguy hiểm cho người bệnh.
Vì vậy, nếu bị tăng huyết áp hay bị bệnh về tim mạch, người bệnh nên hỏi bác sĩ trước khi dùng bất cứ dạng thuốc nào trị nghẹt mũi. Vì hầu hết các thuốc co mạch làm thông mũi (uống, xịt, nhỏ, hít) đều có nguy cơ làm tăng huyết áp, trong đó, pseudoephedrine và phenylephrine là hai thành phần đáng lưu tâm nhất. Người bệnh cũng nên tránh dùng các thuốc ho, các thuốc trị cảm cúm đa thành phần có chứa một loại thuốc thông mũi. Thành phần chống dị ứng (chlopheniramin) hay thuốc ho (dextromethorphan) có trong các thuốc này cũng là thủ phạm gây tăng huyết áp.
Thuốc trị hen suyễn
Một số thuốc dùng trong điều trị hen suyễn như ephedrin, epinephrine… cũng có tác dụng phụ trên tim mạch. Ephedrin được dùng đề phòng co thắt phế quản trong hen. Với liều điều trị, thuốc làm tăng huyết áp do tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi, nhịp tim nhanh có thể xảy ra. Còn epinephrine được dùng phối hợp với thuốc chống hen. Trên tim - mạch, adrenalin có tác dụng làm tăng tần số và tăng lực bóp cơ tim; làm tăng thể tích tâm thu và mức tiêu thụ oxy của cơ tim, tăng lưu lượng mạch vành, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp tâm thu. Vì vậy, thuốc không dùng cho người bị bệnh tim mạch nặng, tăng huyết áp.
Thuốc giảm đau, chống viêm
Các thuốc như ibuprofen, naproxen… cũng mang theo một cảnh báo không được sử dụng đối với bệnh nhân có bệnh tim hoặc tăng huyết áp. Ibuprofen và naproxen đều là thuốc chống viêm giảm đau không steroid. Thuốc có thể gây ra những vấn đề về tim, đe dọa tính mạng hoặc các vấn đề lưu thông như cơn đau tim hoặc đột quỵ, đặc biệt là nếu sử dụng nó lâu dài. Nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ có thể tăng nếu bệnh nhân sử dụng ibuprofen, naproxen với số lượng lớn hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo. Để an toàn khi dùng thuốc, người bệnh cần nói với bác sĩ nếu mình có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc cục máu đông, bệnh tim, suy tim sung huyết, tăng huyết áp… Trên nhãn thuốc cũng cảnh báo bệnh nhân rằng thuốc ibuprofen và naproxen không được uống “ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật tim”. Để hạ sốt, giảm đau có thể dùng acetaminophen (ví dụ tylenol) vì đây là thuốc không có cảnh báo liên quan đến tim mạch, huyết áp.
Tóm lại, đối với bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp khi dùng thuốc điều trị các bệnh thông thường, đặc biệt là các thuốc không kê đơn cần hết sức lưu ý. Cần kiểm tra nhãn thuốc, đọc kỹ các thành phần có trong thuốc và các cảnh báo, thận trọng khi dùng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh dùng những sản phẩm gây bất lợi cho bệnh của mình. Khi đi mua thuốc, cần nói rõ tình trạng bệnh tim mạch, huyết áp để dược sĩ có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế làm giảm bớt triệu chứng của các bệnh thông thường mà không có nguy cơ sức khỏe liên quan đến vấn đề về tim mạch hay huyết áp của bệnh nhân.
(Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/mot-so-thuoc-thong-thuong-lam-benh-tim-mach-them-tram-trong-n112882.html)