Liệu pháp tế bào gốc: Hy vọng mới cho người bệnh tim

Những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trong việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị những bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp hay do bệnh cơ tim giãn vừa được thực hiện thành công

Những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trong việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị những bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp hay do bệnh cơ tim giãn vừa được thực hiện thành công bước đầu trên 50 bệnh nhân tại Viện Tim mạch Quốc gia đã mở thêm cánh cửa mới cho những người bị mắc căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới. Hồi sinh nhịp đập của trái tim mang đến hạnh phúc cho người bệnh chính là động lực thôi thúc những người thầy thuốc chuyên khoa tim mạch đang hàng ngày hàng giờ nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học.

“Hồi sinh” nhờ tế bào gốc

Tết năm nay là Tết đầu ý nghĩa với anh Nguyễn Huy Bình ở TP. Thanh Hóa, bởi ít ai biết rằng trước đó gia đình anh luôn đón Tết trong tình trạng lo lắng hồi hộp vì trái tim của anh luôn không khỏe. Anh Bình cho biết, cách đây 4 năm, anh phát hiện bị bệnh cơ tim giãn, sau một đợt điều trị anh thấy hiện tượng tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực đã được cải thiện  nên anh chủ quan không đến khám lại theo lịch hẹn. Nhưng sau đó, hiện tượng tim đập nhanh bắt đầu xảy ra thường xuyên ngay cả khi anh chỉ nằm nghỉ một chỗ. Có những lúc nhịp tim nhanh kịch phát tới 250 lần/phút. Đến Viện Tim mạch Quốc gia anh được chỉ định phương pháp điều trị bằng sóng cao tần để xử lý nhịp nhanh. Tuy nhiên, sau một thời gian can thiệp chức năng tim không cải thiện. Anh Bình cho biết: “Tôi lo lắng vô cùng, sau khi được điều trị xử lý nhịp nhanh, sau đó được điều trị bằng thuốc nhưng rất lơ mơ không biết bệnh của mình sẽ tiến triển như thế nào? và tiếp tục điều trị bằng phương pháp gì. Tôi cũng tìm hiểu nhiều và được biết ghép tim là phương pháp điều trị khả quan nhất đối với tình trạng bệnh của mình, thế nhưng chi phí cho ghép tim và nguồn tạng ghép không phải là điều đơn giản... Rất may mắn, lúc đó anh được GS. Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng trưởng nhóm can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia tư vấn, bệnh của anh có thể cải thiện nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân. Và niềm vui đã đến, với các bệnh nhân khác trung bình 6 tháng sau can thiệp chức năng co bóp của tim mới được cải thiện, nhưng với anh Bình chỉ sau 3 tháng ứng dụng, chức năng tim được cải thiện rõ rệt.

Thực hiện tiêm tế bào gốc cho bệnh nhân tại Viện Tim mạch Quốc gia (Ảnh: bác sĩ cung cấp)

Cũng như anh Bình, đây là mùa xuân thứ 6  bác Trần Văn Anh ở số 3 ngõ Huế, TP. Hà Nội được đón cái Tết với tâm thế của một người “sức khỏe bình thường”. Trước đó, bác Anh bị nhồi máu cơ tim cấp với chức năng cơ tim (EF) đạt xấp xỉ 30% (bằng 1/4 so với người bình thường). Các bác sĩ tiến hành đặt stent nong 2 nhánh mạch vành và dùng thuốc phối hợp nhưng cơ tim vẫn hoạt động kém, phân số tống máu thấp và có dấu hiệu suy tim. Nếu tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Cách duy nhất để “cứu” bệnh nhân lúc này là cải thiện chức năng co bóp thất trái của tim. Các bác sĩ dùng biện pháp ghép tế bào gốc để điều trị vùng cơ tim bị tổn thương. Sau ghép 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và hiện giờ 6 năm các bác sĩ không phát hiện sự đào thải của tế bào gốc nào. Chỉ số tống máu trở về gần như bình thường. Ngoài anh Bình, bác Anh còn hơn 50 bệnh nhân khác đã được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Kết quả này có đối chứng với 50 bệnh nhân có cùng triệu chứng nhưng không thực hiện ghép tế bào gốc. Kết quả cho thấy, chức năng hoạt động của tim trên 50 bệnh nhân được điều trị ghép tế bào gốc cải thiện tốt hơn so với 50 bệnh nhân không được ghép.

Được biết tại Thái Lan, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc điều trị tim mạch như vậy khoảng 20.000USD. Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức, chỉ tính dụng cụ tiêm tế bào gốc vào mạch vành và lọc tế bào gốc chi phí khoảng 60-80 triệu đồng cho quy trình này. Nếu được áp dụng thường quy và có BHYT chi trả thì nhiều bệnh nhân sẽ có cơ hội được thực hiện kỹ thuật này.

 

Hướng mở trong điều trị tim mạch

Suy tim và nhồi máu cơ tim là nguyên nhân hàng đầu gây nên cái chết của khoảng 16,7 triệu người hàng năm, đặc biệt ở các nước phát triển. Với nhu cầu cấy ghép tim như hiện nay, nguồn cho tim còn xa mới cung cấp đủ. Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia, bệnh nhân nhồi máu cơ tim chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân nhập viện, trong số đó, 10 - 20% bệnh nhân sau khi được điều trị bằng các biện pháp can thiệp thông thường như nong, đặt stent, bắc cầu nối mạch vành vẫn còn tồn tại suy tim, giảm chức năng tim. Chính vì thế, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tim mạch sẽ mang lại cơ hội mới cho những bệnh nhân này.  Đây là kỹ thuật điều trị mới nhất trên thế giới cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi. Để thực hiện kỹ thuật này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Trường đại học Y Hà Nội, Viện Tim mạch Quốc gia và Khoa Huyết học Bệnh viện TW Quân đội 108. ThS. Phan Tuấn Đạt - thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc, các bác sĩ Khoa Huyết học Bệnh viện TW Quân đội 108 sẽ thực hiện chọc tủy lấy tủy xương để chiết xuất lấy tế bào gốc. Sau 1 ngày lọc và tách tế bào gốc từ tủy xương của bệnh nhân được hoàn thành, các bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia được thông báo trước và chuẩn bị bệnh nhân ở phòng tim mạch can thiệp, chuẩn bị sẵn các phương tiện như ống thông luồn lên động mạch vành chỗ bị tổn thương, tế bào gốc đã được tiệt trùng được  tiêm truyền trực tiếp vào động mạch cho bệnh nhân). Quy trình này được các bác sĩ thực hiện rất cẩn trọng và hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng. Một số trung tâm khác có sử dụng các quy trình khác như tiêm tế bào gốc vào cơ tim tổn thương, một số khác dùng thiết bị đưa hẳn vào quả tim sau khi đã định vị... tuy nhiên, hiệu quả của những phương pháp này cũng chưa được đánh giá hiệu quả. Tế bào gốc sau khi đưa vào vùng cơ tim bị tổn thương thường sau 3 - 6 tháng, sự cải thiện chức năng tim có thể thấy được. Điều đáng nói là qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy ở nhóm đối tượng trẻ tuổi sự cải thiện này rõ rệt hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Kết quả sau khi thực hiện ứng dụng tế bào gốc vào điều trị trên 50 bệnh nhân đều không bị biến chứng, vùng cơ tim bị nhồi máu hoạt động được cải thiện rõ rệt.

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và còn nhiều câu hỏi như: ứng dụng tế bào gốc cho bệnh tim nào tốt nhất, dùng tế bào gốc với số lượng bao nhiêu, con đường đưa tế bào gốc vào cơ thể thế nào tốt nhất và có gây phản ứng phụ gì sau này không, lấy tế bào gốc từ mô mỡ hay máu ngoại biên có ứng dụng được vào trong điều trị căn bệnh này không...? Mặc dù vậy, những thành công bước đầu trên hơn 50 bệnh nhân cho thấy một nỗ lực không ngừng của các bác sĩ Việt Nam trong việc tìm ra hướng đi mới điều trị bệnh lý tim mạch.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống