HPG chủ đề “Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn
Ngày 19.4, tại Hà Nội diễn ra Cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) chủ đề “Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025". Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam. Đồng chủ trì HPG còn có TS. Lokky Wai, Trưởng Đại diện VP Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và ông Michael Greene, Giám đốc USAIDS Việt Nam. Tham dự HPG có các đối tác phát triển và các cơ quan bộ ngành, sở y tế,… của Việt Nam liên quan.
Phát triển hệ thống y tế bền vững
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, cùng với những đổi mới của hệ thống y tế, tài chính y tế Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Chi tiêu y tế ở Việt Nam tiếp tục gia tăng và đạt mức cao so với một số nước trong khu vực, chi cho y tế chiếm 6%GDP. Tỷ trọng tài chính công (bao gồm NSNN và BHYT) tăng dần, chiếm 42,6% tổng chi cho y tế, chi từ tiền túi hộ gia đình có xu hướng giảm xuống dưới 50%, chiếm 48,8%. Hệ thống tài chính y tế hiện hành đã làm hạn chế được rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ KCB (khám chữa bệnh) cho người dân đối với người có thẻ BHYT, giúp hầu hết người dân được sử dụng các can thiệp dự phòng thiết yếu.
Mặc dù vậy, tài chính y tế cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức đáng kể. Hệ thống tài chính hiện hành chưa bao phủ được toàn dân, khó mở rộng diện bao phủ. Tỷ lệ hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế vẫn cao. Sử dụng nguồn tài chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn, hệ thống tài chính chưa khuyến khích chất lượng, chưa khuyến khích cung ứng dịch vụ y tế cơ sở và CSSKBĐ (chăm sóc sức khỏe ban đầu) có chi phí thấp và đảm bảo công bằng.
Định hướng của y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng- hiệu quả - phát triển- chất lượng. Theo đó vừa phát triển y tế phổ cập để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống, đồng thời phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại. Để góp phần đạt mục tiêu đó, hệ thống tài chính y tế cần được phát triển theo hướng tăng nhanh đầu tư công cho y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả.
6 nội dung chính trong Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025
Với mong muốn xây dựng bản Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025 mang tính chiến lược và khả thi, HPG lần này đi sâu thảo luận tập trung những nội dung chính cũng như các ưu tiên của chiến lược, trên cơ sở đó đề xuất các lĩnh vực cần sự tham gia hỗ trợ của Đối tác phát triển và bên liên quan. Bộ Y tế mong muốn nhận được ý kiến của các Đối tác phát triển về những mối quan tâm cũng như các kế hoạch hoạt động của các đối tác phát triển có thể hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện hiệu quả Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế mong muốn các đối tác phát triển tiếp tục nghiên cứu dự thảo Chiến lược tài chính y tế cho giai đoạn 10 năm sắp tới đặc biệt là các giải pháp chiến lược cần được triển khai trong thời gian tới, các giải pháp đó rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng trong nước cũng như sự hợp tác hỗ trợ từ phía các đối tác phát triển.
Tiến tới bao phủ y tế toàn dân tới năm 2025
Theo ông Lokky Wai- Trưởng Đại diện WHO, cuộc họp HPG lần này thảo luận đề tài quan trọng là Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam tới năm 2025. Chiến lược này là kết quả của tiến trình phát triển chung giữa chính phủ và các đối tác và là chìa khóa quan trọng để triển khai một hệ thống tài chính y tế công bằng và bền vững để hướng tới bao phủ y tế toàn dân (BHYT toàn dân). Ông Lokky Wai cũng chúc mừng Bộ Y tế và các đối tác phát triển về nỗ lực đưa ra chiến lược quan trọng này, và đây là thời điểm đúng lúc để triển khai chiến lược.
Việt Nam đã cụ thể hóa chương trình Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và một hệ thống tài chính chăm sóc sức khỏe vận hành tốt sẽ là điều cốt lõi để chính phủ đạt được bao phủ y tế toàn dân và SDG 3. Cuộc họp HPG lần trước đó đã thảo luận sức khỏe vừa là nhân tố đóng góp lại vừa thụ hưởng của phát triển bền vững. Và như Chiến lược đã khẳng định: “đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển y tế. Chiến lược nhấn mạnh những vấn đề chính và thử thách trong hệ thống tài chính y tế hiện nay. Nó đề xuất các giải pháp để vượt qua các thách thức về trung và dài hạn. Những giải pháp này được đề xuất dựa theo các chức năng chính của hệ thống tài chính y tế: 1) Huy động đủ nguồn lực tài chính, hiệu quả và công bằng. 2) Huy động các nguồn lực cùng nhau và quản lý quỹ hiệu quả. 3) Sử dụng quỹ để mua các dịch vụ y tế theo cách hiệu quả nhất.
"Một hệ thống tài chính y tế hoạt động tốt sẽ giúp đất nước gỡ bỏ các rào cản, bảo vệ người bệnh và các hộ gia đình khỏi thảm họa chi trả y tế từ tiền túi, giảm chi từ túi tiền và đưa quốc gia tới gần hơn bao phủ y tế toàn dân. Chiến lược đảm bảo hiểu biết chung về hệ thống tài chính y tế và các vấn đề cần đưa ra. Nó cũng định hướng cho quốc gia con đường tiến tới bao phủ y tế toàn dân. Nó cũng là công cụ để gắn kết, điều phối các đối tác phát triển với nhu cầu quốc gia và các chiến lược đã thống nhất và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có để tối đa hóa sức khỏe của dân số. Đồng thời, chúng ta phải nhớ rằng Chiến lược Tài chính Y tế không thể triển khai đơn lẻ, nó cần tính đến cải cách hệ thống y tế ở cấp độ cơ sở, và kế hoạch 5 năm của ngành y tế. WHO đã làm việc chặt chẽ với Chính phủ VN trong việc phát triển Chiến lược, và tôi tái khẳng định cam kết của WHO tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế (BYT) chủ đề này.", TS Lokky Wai nói.
HPG chủ đề “Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025" diễn ra ngày 19.4 ở Hà Nội
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID (Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ) hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam và các mục tiêu tham vọng tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân vào năm 2020 và tầm nhìn dài hạn về chiến lược tài chính y tế tới năm 2025.
"Chúng tôi ủng hộ các mục tiêu của Bộ Y tế nhằm cung cấp BHYT toàn dân để tất cả mọi người dân được bảo vệ khỏi rủi ro tài chính và các dịch vụ y tế cần thiết có chất lượng. Chúng tôi cũng sát cánh bên nhóm dân cư dễ tổn thương nhất, khoảng 20% dân số không tham gia BHXH. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo họ và những người khác bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh như HIV, lao phổi, viêm gan phải được bao phủ bảo hiểm."
"USAID, thông qua dự án Quản trị và Tài chính Y tế, chia sẻ với BYT các kinh nghiệm quốc tế về cải cách y tế ở các nước khác nhau để mở đường cho sự triển khai Chiến lược Sức khỏe quốc gia mới. Chúng tôi đã hỗ trợ kỹ thuật cho sự phát triển gói dịch vụ do BHYT chi trả, và hỗ trợ các nghiên cứu phân tích tài chính Y tế quốc gia và tài chính y tế tỉnh. USAID và các đối tác triển khai sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với chính phủ và các đối tác phát triển khác để đảm bảo bằng chứng được chuyển thành chính sách, chính sách thành cải cách, và cải cách thành kết quả cải thiện cho người dân Việt Nam", ông Michael Greene chia sẻ.
Các đối tác phát triển đã cùng tham gia đóng góp ý kiến cho Chiến lược Tài chính Y tế của Việt Nam tới năm 2025 và cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam. Tổ chức quốc tế PATH cho rằng, trong thời gian tới, cần mở rộng y tế thôn bản, triển khai mô hình bác sĩ gia đình và nhân rộng quản lý bệnh không lây nhiễm. Gói tiêm chủng trong gói dịch vụ YTDP cần tham khảo mô hình tương tự ở các nước tiên tiến. Nó không đơn giản như các gói dịch vụ khác. Loại vắc xin nào được đưa vào gói tiêm chủng? Nếu chỉ đưa các vắc xin hiện nay trong chương trình tiêm chủng thì rất hạn chế. Cơ chế thanh toán chi trả giữa các đơn vị cung cấp vắc xin, với BHYT, đặt hàng trước thời gian dài thì cơ sở trong nước mới cung ứng được. Nhà nước mua, phân phối rồi BHYT thanh toán lại? PATH sẵn sàng đóng góp kỹ thuật, chuyên môn để BYT xây dựng gói tiêm chủng.
Wallonie-Bruxelles hiện đang huy động 10 trường đại học để xây dựng đội ngũ bác sĩ gia đình, huy động giảng viên Việt Nam để thảo luận, các giảng viên đưa ra ý kiến cho các gói dịch vụ y tế cơ bản, mong muốn bộ y tế cử đại diện tham gia vào diễn đàn trên. Mong muốn đề xuất của BYT để Wallonie Bruxelles có thể hỗ trợ VN 2019-2024 về cán bộ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Toàn cảnh hội nghị
Hiện, dự án EU-HF cải tiến mô hình thanh toán định suất tại Việt Nam. Đối tác EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản được BHYT chi trả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các nhóm đối tác trong y tế sẽ điều phối thông qua các hỗ trợ kỹ thuật. EU sẽ căn cứ vào đề xuất của BYT để hỗ trợ kỹ thuật. EU sẵn lòng sẽ phối hợp cùng nhau để hỗ trợ cho hoạt động này của BYT.
Một đối tác phát triển còn cho rằng Kế hoạch hành động cần được tính toán chi phí một cụ thể. Hơn 40% tài chính y tế hiện nay đến từ tiền túi người bệnh. Vào năm 2022, có khoảng 30 triệu người thu nhập trung bình có khả năng chi trả. Đây là nguồn quan trọng cho tài chính y tế, nếu dịch vụ y tế chất lượng cao, người ta sẵn sàng chi trả. Ngoài các hoạt động này, BYT xem xét lựa chọn của nhà cung cấp dịch vụ, không chỉ mở rộng dịch vụ mà còn lựa chọn dịch vụ cho các phân khúc dân số. Lựa chọn cho các nhà dịch vụ tư nhân, tăng tiêu chuẩn cấp phép để cho ho tham gia dịch vụ có chất lượng, giảm tải cho ngân sách nhà nước. Đối tác phát triển đã thí điểm nhiều mô hình ở VN và mô hình này có thể nhân rộng với chi phí thấp và nhanh chóng, sẵn sàng hỗ trợ để nhân rộng mô hình thành công tuyến y tế cơ sở.
Theo TS. Lokky Wai, kế hoạch triển khai sẽ tập trung vào tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu quả dịch vụ đặc biệt ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, tái thiết kế y tế cơ sở. BYT sẽ xây dựng Kế hoạch hành động với lộ trình rõ ràng và các đối tác phát triển có thể tham gia vào quá trình triển khai.
Các đối tác phát triển lắng nghe và đóng góp ý kiến cho Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025 tại HPG 2017
Một số điểm nổi bật trong Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025
Một hệ thống tài chính y tế (HTTCYT) tốt cần huy động đủ tiền để người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế khi cần, và được bảo vệ trước chi phí y tế thảm họa hoặc bảo vệ không bị nghèo hóa do phải chi trả chi phí y tế, khuyến khích cung ứng và sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả, có chất lượng.
Định hướng của Y tế Việt Nam trong thời gian tới
* Phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng-hiệu quả-phát triển.
* Vừa phát triển y tế phổ cập để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống, đồng thời phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại.
Để đạt được mục tiêu, HTTCYT cần được phát triển theo hướng:
- Tăng nhanh đầu tư công cho y tế
- Phát triển BHYT toàn dân
- Giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho CSSK
- Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả
Các chỉ tiêu của chiến lược
- Tỷ lệ tham gia BHYT đạt ít nhất 95% vào năm 2025, trong đó có toàn bộ người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi (tuổi >70) và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác.
- Có chính sách và cơ chế chi trả khuyến khích việc cung ứng các dịch vụ CSSKBĐ có chất lượng, tăng cường năng lực của y tế cơ sở, thực hiện các dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại tuyến y tế cơ sở.
- Tỷ lệ chi tiêu công cho y tế đạt 4% GDP vào năm 2025 (so với mức 2,9% năm 2014).
- Giảm dần chi tiêu tiền túi cho y tế, tỷ trọng chi tiêu tiền túi (OPP) không vượt quá 30% tổng chi cho y tế vào năm 2025 (so với mức 44% năm 2014)
- Giảm tỷ lệ hộ gia đình phải chi trả chi phí y tế thảm họa, tỷ lệ không quá 2% vào năm 2025.
- Mở rộng bao phủ BHYT XH, tăng tiếp cận dịch vụ: tăng tỷ lệ số dân tham gia BHYT xã hội theo tỉnh và toàn quốc từ 75% (2015) lên > 95% vào năm 2025. Tăng tỷ lệ người tham gia BHYT ở khối doanh nghiệp từ 70% lên 100% vào năm 2025.
- Tăng tỷ trọng chi phí Khám chữa bệnh (KCB) tại tuyến YTCS (xã và huyện) trên tổng chi phí KCB ở tất cả các tuyến (tỷ trọng này cao hơn ở những vùng nông thôn và miền núi, hải đảo) từ <35% lên >50% vào năm 2025.