Hội nghị thường niên chuyên ngành hồi sức cấp cứu chống độc toàn quốc lần thứ 16

Trong hai ngày 13 và 14/4 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc đã tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên chuyên ngành Hồi sức cấp cứu (HSCC) và Chống độc lần thứ 16. Hội nghị nhằm cập nhật các kiến thức, kỹ thuật cao, thành tựu về HSCC chống độc và các khó khăn đã gặp trong thời gian qua. Với nội dung thiết thực, hội nghị đã thu hút sự quan tâm của hơn 830 đại biểu là các bác sĩ chuyên ngành HSCC và Chống độc trên toàn quốc.

Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao nhất

Kháng kháng sinh là một trong tám chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội nghị.Tình trạng kháng kháng sinh gia tăng, sử dụng kháng sinh chưa hợp lí luôn là vấn đề thời sự của …. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết: Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi, nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh…

HSCC 14.4.1

GS. Vũ Văn Đính, Nguyên Chủ tịch Hội HSCC và Chống độc Việt Nam chia sẻ: Vấn đề kháng sinh và đặc biệt, tình trạng đa kháng thuốc của vi khuẩn rất nan giải, nhất là tại các khoa Hồi sức tích cực. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh vào loại cao nhất, kéo dài ngày điều trịtrung bình, tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân tại khoa cấp cứu và hồi sức.

Để giải quyết vấn đề này, các tham dự viên của Hội nghị đã tập trung tham luận về những vấn đề mang tính thời sự của chuyên nghành như cập nhật những hiểu biết mới về sinh bệnh học của nhiễm khuẩn (sepsis) và các ứng dụng trong thực hành lâm sàng ở Việt Nam để làm giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn.Bên cạnh các vi khuẩn kháng thuốc là thực trạng và các giải pháp của tình trạng gia tăng nhiễm nấm trong các khoa hồi sức cấp cứu cũng được các báo cáo đề cập đến.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra một hoạt động hết sức ý nghĩa, đó là việc xuất bản sách “Kháng sinh dùng trong Hồi sức cấp cứu”.Đây được coi là một trong các hướng dẫn thực hành sử dụng kháng sinh thích hợp trong kỉ nguyên đa kháng.

HSCC 14.4.2

Đề xuất với cơ quan Bảo hiểm y tế mở rộng hạn mức thanh toán Bảo hiểm y tế cho một số kỹ thuật cao

Trong 15 năm qua, kĩ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức đã được áp dụng và phổ biến trên toàn quốc đã giúp cứu sống hàng chục ngàn bệnh nhân. Năm 2016, cụm công trình lọc máu liên tục tiến hành ở đa trung tâm trong cả nước đã được nhà nước ghi nhận bằng “Giải thưởng nhà nước” cho 28 tác giả tham gia nghiên cứu.

Bên cạnh đó,Việt Nam đã và đang đối mặt với các vấn đề y tế thời sự như đại dịch cúm A/H1, H5..., dịch sởi đã dẫn đến nhiều bệnh nhân tử vong do suy hô hấp nặng. Để cứu sống các bệnh nhân mắc SARS, cúm A/H5N1...có biến chứng suy đa tạng cần sử dụng các biện pháp kĩ thuật cao như tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...Các biện pháp này, hiện nay đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ... với chi phí lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Trong điều kiện Việt Nam, các thầy thuốc đã áp dụng kĩ thuật này vào để cứu sống nhiều bệnh nhân suy hô hấp nặng, sốc tim do viêm cơ tim cấp có biến chứng suy đa tạng với tỉ lệ thành công trên 70% với chi phí điều trị chỉ bằng 1/100 (khoảng 150 – 200 triệu) so với các nước tiến tiến. Nếu được bảo hiểm y tế thanh toán thì chi phí do người bệnh phải chi trả còn là con số rất nhỏ.

HSCC 14.4.3

Từ thực tiễn đó, các bác sĩ khuyến cáo toàn dân tham gia bảo hiểm y tế hằng năm để làm giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình và xã hội trong trường hợp không may mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là các bệnh cấp tính không lường trước được.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp tốt với các bệnh viện để từng bước thanh toán chi phí các kĩ thuật cao như lọc máu liên tục, thay huyết tương và bắt đầu thanh toán cho kĩ thuật ECMO. Qua đó giúp cho người bệnh và bệnh viện đỡ đi phần lớn gánh nặng về tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số kĩ thuật chưa được hoặc chỉ mới được thanh toán một phần, trong trong tổng số chi phí đến hàng trăm triệu đồng - Nếu các bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, chi phí có thể lên đến 300 – 400 triệu đồng… Các thầy thuốc tham dự hội nghị HSCC và Chống độc đã đề xuất với Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam phê duyệt chủ trương thanh toán toàn bộ hoặc 1 phần đối với các kỹ thuật cao này.

Sau 2 ngày, các đại biểu đã lắng nghe 67 bài báo cáo với 9 chuyên đề do 57 nhà khoa học trình bày. Hội nghị cũng thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ những nước có nền y học phát triển. Đây là dịp để các chuyên gia y tế trong nước tiếp cận với những công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, cập nhật những thông tin mới, kỹ thuật mới để cứu sống những bệnh nhân nặng…