Tổng chi phí chi trả của người chưa có BHYT sẽ tăng khoảng 10%
Theo ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế Thông tư của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017 ( gọi tắt là Thông tư 02/2017/TT-BYT ) nhưng không phải là từ ngày 1/6/2017 tất cả các bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này, mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.
Thời điểm thực hiện tại mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 02 có quy định đến hết 2017 phải thực hiện mức giá này trên cả nước. Trước mắt, từ ngày 1/6, khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành sẽ điều chỉnh tăng.
Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện Thông tư 02 trong tháng 8 tới đây và TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện vào tháng 10/2017.
“Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, thận trọng, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết tại hội nghị triển khai thực hiện Thông tư này mới đây.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biêt, theo ước tính so với giá dịch vụ KCB hiện đang áp dụng cho người không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT khi tăng từ 1/6 có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg) thì tổng chi phí khi KCB với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.
Làm gì để tránh bị nghèo hóa khi ốm đau?
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí này.
Từ thực tiễn của BV, ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó giám đốc BV Bạch Mai cho biết, từ tháng 3/2016, BV đã áp dụng mức viện phí này với người bệnh có BHYT. Trong hơn 1 năm qua, tổng chi mà BHYT chi trả cho BV có tăng khoảng 10%.
“Mức tăng này chủ yếu là tăng ở giá dịch vụ kỹ thuật, còn lại 60-65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế vẫn giữ ổn định. Điều này chứng tỏ mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật khá cao và khi áp dụng với người bệnh chưa có bảo hiểm, nhiều người sẽ khó khăn”- ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, người chưa có BHYT chiếm khoảng 20% người điều trị nội trú, nhiều người trong số này bệnh nặng, chi phí lớn, có người không có khả năng chi trả. Theo lộ trình, BV Bạch Mai sẽ áp dụng viện phí mới sau ngày ngày 1/6 thì những người bệnh này sẽ càng khó khăn hơn.
Để không bị rơi vào bẫy nghèo khi không may ốm đau, người dân cần tích cực tham gia BHYT
Theo các chuyên gia, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí KCB theo quy định. Nhà nước cũng đã thực hiện một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 - 70% ; khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ/ngành báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách y tế của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo...
Tuy nhiên, đối với các đối tượng chưa có thẻ BHYT, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa là tham gia BHYT. Thời gian vừa qua, việc thực hiện đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn, nhằm để họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia BHYT. Vì vậy, việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm mục tiêu để mọi người dân thấy được cần phải tham gia BHYT để đề phòng không may ốm đau sẽ được Quỹ BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi khi KCB.
Song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ Y tế cũng đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở KCB tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức… Bộ Y tế và các địa phương đã và đang thực hiện đề án giảm tải BV, đề án BV vệ tinh, ban hành Thông tư quản lý chất lượng BV với 83 tiêu chí, sửa đổi phân hạng BV trên nguyên tắc hạng bệnh viện gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn…
Hiện nay, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình thích hợp; đồng thời đề nghị các cơ sở KCB tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh cho cả người có thẻ và không có thẻ BHYT.