Hậu quả khi đột ngột dừng thuốc trị tăng huyết áp

SKĐS - Đối với người bệnh tăng huyết áp, việc sử dụng thuốc đòi hỏi lâu dài, trọn đời. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều trường hợp đột ngột dừng thuốc

khi chỉ số huyết áp trở về mức bình thường đã gây hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đột quỵ, liệt...

Những nhóm thuốc thường dùng trong điều trị tăng huyết áp

Để điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần đi khám và được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc. Dựa trên mức độ bệnh, yếu tố nguy cơ tim mạch, sự tổn thương các cơ quan đích và các bệnh lý mắc kèm..., bác sĩ sẽ lựa chọn một hoặc phối hợp nhiều thuốc trị tăng huyết áp trong các nhóm sau:

Nhóm thuốc lợi tiểu: hydrochlorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren... Thuốc lợi tiểu làm tăng đào thải nước, giảm sức cản của mạch ngoại vi dẫn tới làm hạ huyết áp.

Nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương: reserpin, methyldopa, clonidin... Hiện nay, nhóm này ít được dùng do có tác dụng không mong muốn gây trầm cảm và làm tăng vọt huyết áp khi dừng thuốc đột ngột.

Hậu quả khi đột ngột dừng thuốc trị tăng huyết ápĐột ngột dừng thuốc trị tăng huyết áp có thể gây tai biến nghiêm trọng ở não, tim.

Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: Propranolol, atenolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol... Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta-giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc được dùng cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực hoặc đau nửa đầu.

Nhóm thuốc chẹn kênh calci: nifedipin, nicardipin, amlodipin, felodipin, isradipin, verapamil, diltiazem... Thuốc nhóm này ngăn chặn dòng ion calci đi vào tế bào cơ trơn mạch máu gây giãn mạch và hạ huyết áp. Dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, bệnh nhân cao tuổi và không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.

Nhóm thuốc ức chế men chuyển: captopril, enalapril, benazepril, lisinopril... Cơ chế của thuốc là ức chế enzym chuyển dạng angiotensin I thành angiotensin II - chất gây co mạch làm tăng huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển được chọn khi người bệnh mắc kèm hen suyễn, đái tháo đường.

Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II: losartan, irbesartan, candesartan, valsartan...  Nhóm này có tác dụng hạ huyết áp tương đương với các thuốc nhóm chẹn kênh calci, chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển. Đặc biệt, tác dụng hạ huyết áp của chúng tốt hơn nếu phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid.

Vì sao người bệnh đột ngột dừng thuốc?

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, diễn biến thầm lặng, ít có các biểu hiện lâm sàng, do đó rất khó phát hiện và dễ xảy ra những biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời, đầy đủ, thường xuyên.Mục đích của việc điều trị tăng huyết áp trước hết là duy trì huyết áp ở mức tối ưu để ngăn ngừa các biến chứng. Do đó, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài, điều trị cả đời. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân không tuân thủ theo nguyên tắc điều trị này vì chủ quan thấy mình không có triệu chứng gì bất thường, dùng thuốc thấy huyết áp trở về bình thường nghĩ rằng bệnh đã khỏi mà dừng lại. Hoặc do lo sợ gặp phải các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc kéo dài, hoặc cảm thấy phiền phức khi dùng thuốc đều đặn hàng ngày...

Và hậu quả...

Tuy nhiên, bệnh nhân cần hiểu rằng, trong quá trình dùng thuốc, trị số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào những viên thuốc uống mà họ uống đều đặn hàng ngày. Tăng huyết áp lâu dài đã làm cho khả năng đàn hồi của thành mạch máu kém đi. Khi huyết áp tăng cao đột ngột, thành mạch dễ dàng bị vỡ, là nguyên nhân gây xuất huyết và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Ngoài ra, đột ngột dừng thuốc điều trị thì huyết áp sẽ tăng trở lại như trước khi điều trị, thậm chí còn tăng cao hơn mà cơ thể chưa kịp thích nghi, có thể gây ra những biến chứng của bệnh tăng huyết áp, bao gồm:

Nhồi máu cơ tim: Tăng huyết áp là nguyên nhân hình thành mảng xơ vữa, nếu bị nứt, vỡ trong lòng động mạch vành sẽ hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành gây tình trạng nhồi máu cơ tim. Người bệnh bị nhồi máu cơ tim do cao huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị tăng huyết áp cũng sẽ dẫn đến suy tim.

Xuất huyết não: Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ và tùy vị trí vùng xuất huyết.

Nhũn não: Tăng huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hư mạch vành), nếu mãng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết 1 vùng não còn gọi là nhũn não.

Thiếu máu não: Tăng huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.

Một số hậu quả khác: Dừng thuốc huyết áp đột ngột khiến huyết áp tăng trở lại còn là nguyên nhân gây các biến chứng về thận, mắt, mạch ngoại vi...

Do vậy, để tránh những hậu quả này, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là người bệnh không được tự ý ngừng điều trị, khi muốn dừng hay thay đổi thuốc phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Nguồn Sức khỏe và đời sống