PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh.
PV: Là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước và được lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng giao trọng trách tiếp tục là “đầu tàu” trong thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, ông có thể khái quát về mục tiêu của bệnh viện trong thực hiện đề án giai đoạn này?
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh: Đề án Bệnh viện vệ tinh được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm bởi lẽ thực hiện tốt đề án này sẽ giúp người dân được hưởng lợi kỹ thuật cao về chăm sóc sức khoẻ rất lớn ngay tại quê hương mà không phải lặn lội về Hà Nội. Từ những lý do đó, lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ có liên quan đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho đề án này. Là bệnh viện lớn, tuyến cuối ở miền Bắc, chúng tôi ý thức được trách nhiệm với nhân dân để đưa thương hiệu Bạch Mai toả đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa hơn nữa. Mục tiêu chung đề án là nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành tim mạch, ung bướu, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, theo dõi và quản lý bệnh nhân giúp người dân được khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện vệ tinh, không phải chuyển tuyến điều trị.
PV: Ông vừa nhắc tới việc đưa thương hiệu Bạch Mai gắn với các bệnh viện vệ tinh qua hình thức chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… điều này sẽ góp phần nâng cao thương hiệu bệnh viện tuyến dưới và sẽ giúp cho việc giảm quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Nhưng việc đưa thương hiệu Bạch Mai về tuyến dưới cũng đòi hỏi chất lượng đào tạo, chất lượng chuyển giao kỹ thuật bởi liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của mỗi con người?
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh: Việc gắn thương hiệu Bạch Mai qua công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc là sự gắn kết chặt chẽ giữa tuyến trên với tuyến dưới từ đó tạo sự yên tâm, tin tưởng nơi người bệnh khi được khám, chữa bệnh ở 23 bệnh viện vệ tinh của chúng tôi. Nét mới của Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 lần này - đó là Bộ Y tế đã nhận được sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ từ UBND của 23 tỉnh, thành nơi có các bệnh viện vệ tinh của Bạch Mai. Từ sự ủng hộ này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc cử cán bộ đi học, đầu tư trang thiết bị… của các bệnh viện vệ tinh.
Bệnh viện Bạch Mai sẽ chuyển giao các kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh. Ảnh: TM
Mặt khác, về phía Bệnh viện Bạch Mai, trực tiếp các thành viên Ban giám đốc, chuyên gia đầu ngành tham gia bắt tay vào xây dựng đề án, trình các cấp có thẩm quyền và toả đi 23 bệnh viện vệ tinh để khảo sát nắm bắt nhu cầu, tìm hiểu kỹ cơ sở vật chất hiện tại, hiện trạng nguồn nhân lực và vạch ra các bước giúp đỡ sát với tình hình thực tiễn của địa phương nhất.
PV: Là bệnh viện tuyến cuối, nơi có nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cũng như chuyên gia đầu ngành, lợi thế của Bạch Mai là rất lớn trong chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh. Ông có thể cho biết, bệnh viện sẽ sử dụng các lợi thế đó ra sao?
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh: Chúng tôi tự hào về bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm của bệnh viện, nơi đào tạo và chắp cánh cho nhiều thế hệ thầy thuốc của đất nước. Trong thời đại hiện nay, với kinh nghiệm của mình, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành của chúng tôi không chỉ có mặt tại bệnh viện vệ tinh mà ngay tại điểm cầu Hà Nội, chúng tôi có thể hội chẩn từ xa, đưa ra những chỉ đạo ngay tại chỗ mà không phải vận chuyển bệnh nhân về Hà Nội nhờ hệ thống telemedicine hiện đại. Bệnh viện cũng đã tổ chức xây dựng các tài liệu đào tạo do các giáo sư trực tiếp đúc rút kinh nghiệm viết ra để như là những cuốn cẩm nang dành cho thầy thuốc cơ sở… Nhờ đó, việc đào tạo luôn được cập nhật, đào tạo gắn với thực tế, đào tạo gắn với trực quan để từ đó tạo ra bước chuyển mình không chỉ cho thầy thuốc mà còn các bệnh viện vệ tinh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Mai (thực hiện)
(http://suckhoedoisong.vn/dua-thuong-hieu-bach-mai-ve-co-so-n126336.html)