Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ: Những tiến bộ trong khám chữa bệnh tim mạch

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là Bệnh viện vệ tinh của Viện Tim mạch. Dưới sự hỗ trợ chuyển giao của Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị các bệnh tim mạch, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.

Khoa Tim mạch can thiệp được tách ra từ khoa Nội tiết -Tim mạch và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2010, với nhân sự hiện có là 38 cán bộ, trong đó có 17 bác sĩ, 21 điều dưỡng viên. Khoa được bố trí 65 giường bệnh, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên từ 70 đến 80 người. Qua quá trình triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh và 1816, trang thiết bị của Khoa đã được Bệnh viện tập trung đầu tư khá hiện đại như: Máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA của Mỹ có khả năng chụp xoay, chụp xóa nền, tái tạo hình ảnh 3 chiều; máy shock điện; monitor; máy truyền dịch, bơm tiêm điện; máy điện tâm đồ… Để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, Bệnh viện đã cử 3 kíp bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi học tập kỹ thuật can thiệp mạch tại Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, thường xuyên mời các chuyện gia can thiệp mạch của Viện tim mạch Quốc gia xuống chuyển giao kỹ thuật tại chỗ. Đến nay, các kỹ thuật chuyển giao được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai thực hiện gồm: chẩn đoán và điều trị đồng bộ về nội khoa và các bệnh lý trong lĩnh vực tim mạch; can thiệp chụp động mạch não, động mạch vành, động mạch chi, nong và đặt Stent mạch vành, mạch ngoại vi; nút động mạch gan, nút động mạch tử cung.

Nếu như trước đây, khoa chủ yếu khám bệnh về tim mạch thông thường thì sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh, Khoa đã bước đầu áp dụng thành công phương pháp chẩn đoán và điều trị can thiệp mạch vành. Dưới sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, ê kíp bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công kĩ thuật Chụp động mạch vành xác định tổn thương gây thiếu máu và bước đầu đặt stent động mạch vành trong những trường hợp hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp, điều trị u xơ cổ tử cung không cần phẫu thuật, bệnh lý mạch chi: Tắc mạch, hẹp mạch do huyết khối, xơ vữa.., đặt máy tạo nhịp tạm thời, đặt máy catheter tĩnh mạch trung tâm; đặt nội khí quản; thở máy; chọc dẫn lưu dịch màng tim. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân tim mạch đã được cấp cứu kịp thời mà nếu chuyển lên tuyến trên sẽ rất tốn kém và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Nhờ triển khai thành công những kỹ thuật mới, chất lượng khám và điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện được nâng cao, tỷ lệ chuyển lên tuyến trên giảm đáng kể, tạo niềm tin ở người bệnh. Năm 2013, tổng số lượt người đến khám tại khoa Tim mạch là 6889 lượt người. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Khoa đã khám và điều trị cho 3616 lượt người, can thiệp mạch cho 288 bệnh nhân.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam. Để quá trình thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp như: Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho chuyên ngành Tim mạch tại Bệnh viện thông qua các hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất nâng cấp trang thiết bị y tế; Xây dựng và hoàn thiện Trung tâm Tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bao gồm các đơn nguyên: Nội tim mạch, Cấp cứu tim mạch, Tim mạch can thiệp, Phẫu thuật tim mạch; Đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị cơ bản để thực hiện các kỹ thuật dự kiến chuyển giao theo Đề án, cử cán bộ tham gia đào tạo tại Viện Tim mạch cũng như mời các chuyên gia đầu ngành về chuyển giao kỹ thuật tại chỗ; Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc đào tạo từ xa…/.