Tham dự hội nghị lần này là hơn 100 báo cáo viên đến từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trong đó đặc biệt có Giáo sư Jim Holliman, Cựu Chủ tịch Liên đoàn Cấp cứu quốc tế. Hơn 60 bài trình bày, một diễn đàn nghiên cứu khoa học và 10 cuộc hội thảo tại nhiều địa điểm và các sự kiện giao lưu nhằm cập nhật kiến thức, gặp gỡ chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu đã diễn ra trong khuôn khổ hội nghị.
Nhu cầu được chăm sóc y tế của người dân ngày càng tăng cao
Trong bối cảnh kinh tế phát triển như hiện nay, nhu cầu được chăm sóc y tế của người dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải được xử trí khẩn cấp thì nhu cầu sơ cấp cứu ban đầu, vận chuyển cấp cứu có hỗ trợ của nhân viên y tế, chẩn đoán và xử trí hiệu quả tại các Đơn vị Cấp cứu đa khoa ngày càng trở nên quan trọng. Và theo thời gian, y học cấp cứu ngày càng chứng tỏ vai trò tiên phong thông qua cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề nóng của y học, thông qua cách tác động vào xã hội và cộng đồng, đã và đang trở thành một mũi nhọn của y học hiện đại.
Tại hội nghị, PGS - TS Nguyễn Đạt Anh - Chủ tịch Chủ tịch phân hội cấp cứu Việt Nam (VSEM) phát biểu rằng: “Trong những năm qua, Y học cấp cứu đã nhận được sự quan tâm của nhà nước và Bộ y tế, mạng lưới cấp cứu đã ra đời và có những bước tiến đáng kể, đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong sự phát triển đó, VSEM đã đóng góp vai trò không nhỏ thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến hàng đầu, tích cực hỗ trợ trong việc thúc đẩy xây dựng mạng lưới cấp cứu”. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đạt Anh phải thừa nhận rằng những kết quả mà ngành cấp cứu đạt được còn rất khiêm tốn, nhiều khó khăn vẫn còn ở phía trước như vấn đề nhân lực, đào tạo, trang thiết bị, và đặc biệt là các vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách vẫn là những khó khăn và rào cản chưa dễ vượt qua. Do vậy, hiện Việt Nam chưa có được một hệ thống cấp cứu đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
GS.TS.Lê Quang Cường Thứ Trưởng Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu của chuyên ngành cấp cứu trong những năm qua, trong đó có vai trò rất quan trọng của khoa cấp cứu A9 và Phân hội cấp cứu Vietnam, những kết quả đó đã góp không nhỏ vào những thành công chung của ngành y tế. Hiện tại, Bộ y tế đang rất quan tâm đến mô hình cấp cứu trước bệnh viện ở Mỹ, chỉ với kỹ thuật viên cấp cứu (paramedics) được đào tạo tốt trên xe cứu thương đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cấp cứu trước bệnh viện, đặc biệt là các cấp cứu chấn thương. Dự định, trong những năm tới dây, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch và giao cho các đơn vị có chức năng đào tạo đề xuất kế hoạch đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu (paramedics) phù hợp với điều kiện cấp cứu VN, nhằm đem lại những chuyển biến mới tích cực, góp phần hình thành hệ thống và nâng cao chất lượng cấp cứu nói chung và cấp cứu trước bệnh viện nói riêng.
Nguồn Sức khỏe & đời sống