Chương trình đào tạo y khoa liên tục

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO Y KHOA LIÊN TỤC

GIỚI THIỆU VỀ VIỆN TIM MẠCH VIỆT NAM VÀ VỊ THẾ ĐÀO TẠO:

Viện Tim mạch Việt Nam được thành lập vào ngày 11 tháng 11 năm 1989 theo quyết định số 704/BYT/QĐ của Bộ Y tế, là một đơn vị trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Viện Tim mạch Việt Nam là viện chuyên khoa đầu ngành cả nước về Tim mạch.

Chức năng và nhiệm vụ

  • Nghiên cứu có hệ thống về các phương pháp phòng, chống và điều trị các bệnh Tim mạch ở Việt Nam nhằm hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết vì bệnh này ở nước ta .
  • Cùng với trường Đại Học Y Hà Nội và các trường Đại học khác đào tạo bổ túc cán bộ chuyên khoa về tim mạch ở bậc đại học và sau đại học.
  • Theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật chuyên khoa Tim mạch cho các địa phương và cơ sở trong cả nước.
  • Khám và điều trị các bệnh tim mạch do tuyến dưới gửi lên, thực hiện các nghiệm pháp thăm dò chức năng tim mạch cho toàn khu vực Bệnh viện Bạch Mai  và các Bệnh viện, các cơ sở có nhu cầu .
  • Hợp tác về khoa học  thuộc lĩnh vực chuyên khoa với các nước và các tổ chức y tế trên thế giới nhằm phát triển và nâng cao kỹ thuật chuyên khoa tim mạch ở nước ta.
  • Phổ biến các kiến thức phổ cập trong việc phòng, chống và phục hồi chức năng tim mạch nhằm góp phần chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân.
  • Tổ chức quản lý Viện trên cơ sở các quy định và chế độ, chính sách đã được Nhà nước và Bộ Y tế ban hành.

Vị thế đào tạo

  • Với vị thế là viện chuyên khoa đầu ngành, viện Tim mạch luôn tích cực trong công tác đào tạo cán bộ y tế trên phạm vi toàn quốc. Các hoạt động đào tạo của viện Tim mạch luôn có uy tín và chất lượng cao, “thương hiệu” về đào tạo của Viện đã được nhiều thế hệ các Thầy dày công vun đắp.
  • Đội ngũ giảng viên: Viện Tim mạch hiện có mội đội ngũ giảng viên đông đảo và nhiều kinh nghiệm với 12 giáo sư và phó giáo sư; 18 tiến sĩ; còn lại là thạc sĩ hoặc đang làm nghiên cứu sinh; nhiều cử nhân điều dưỡng trình độ đại học (20% số điều dưỡng viên của Viện) đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy lý thuyết, hướng dẫn thực hành...
  • Viện Tim mạch là cơ sở thực hành của Bộ môn tim mạch – Đại học Y Hà Nội, luôn kết hợp chặt chẽ với Bộ môn Tim mạch trong công tác đào tạo, có khả năng đảm nhiệm tất cả các loại hình đào tạo dài hạn, ngắn hạn về chuyên ngành Tim mạch.
  • Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai nên có thể kết hợp chuyên môn với tất cả chuyên khoa hệ Nội đầu ngành trong mọi mặt hoạt động, trong đó có công tác đào tạo.
  • Viện Tim mạch là nơi đặt trụ sở của Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, có khả năng kết hợp thường xuyên và chặt chẽ với Hội Tim mạch trong nhiều hoạt động đào tạo và phổ biến kiến thức, giáo dục sức khỏe Tim mạch học.

ĐÀO TẠO LIÊN TỤC

Định nghĩa

Theo thông tư số 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, ban hành ngày 9/8/2013 về “Hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế” thì “Đào tạo liên tục” là các khóa đào tạo ngắn hạn, bao gồm: đào tạo bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, kỹ năng, thái độ thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; đào tạo lại, đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác của ngành y tế mà không thuộc hệ thống văn bằng giáo dục quốc dân.

Nghĩa vụ đào tạo liên tục

Theo điều 4, thông tư số 22/2013/TT-BYT:

  • Cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế phải có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm.
  • Việc thực hiện nghĩa vụ đào tạo liên tục là một trong những tiêu chí để thủ trưởng đơn vị đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quá trình phát triển nghề nghiệp của cán bộ y tế.
  • Cán bộ y tế là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện đủ nghĩa vụ đào tạo trong 2 năm liên tiếp theo qui định tại Thông tư này còn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo qui định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
  • Cán bộ y tế đang tham gia các khóa đào tạo dài hạn trong và ngoài nước liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận không phải thực hiện nghĩa vụ đào tạo liên tục theo Thông tư này.
  • Người đứng đầu cơ sở y tế có trách nhiệm tạo điều kiện để cán bộ y tế được tham gia các khóa đào tạo liên tục.

Thời gian đào tạo liên tục

Theo điều 5, thông tư số 22/2013/TT-BYT:

  • Cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp.
  • Cán bộ y tế không thuộc trường hợp qui định tại Khoản 1 Điều này có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 120 tiết học trong 5 năm liên tiếp, trong đó mỗi năm tối thiểu 12 tiết học.
  • Cán bộ y tế tham gia các hình thức đào tạo liên tục khác nhau được cộng dồn để tính thời gian đào tạo liên tục.

CÁC HÌNH THỨC ĐÀO TẠO LIÊN TỤC CỦA VIỆN TIM MẠCH

Hoạt động Đào tạo liên tục (ĐTLT) của Viện Tim mạch là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cán bộ y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc và toàn thể cán bộ viên chức đang làm việc tại Viện tim mạch. Bao gồm các hình thức dưới đây:

Các khóa đào tạo ngắn hạn về chuyên môn Tim mạch

  • Viện Tim mạch kết hợp với Hội Tim mạch Việt Nam và Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội tổ chức thường xuyên nhiều khóa ĐTLT về các lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong Tim mạch:
  • Điện tâm đồ cơ bản và nâng cao
  • Siêu âm tim mạch
  • Cấp cứu Tim mạch
  • Các bệnh lý tim mạch thường gặp
  • Tim mạch can thiệp
  • Y học thực chứng và phương pháp nghiên cứu khoa học
  • Chăm sóc toàn diện bệnh nhân tim mạch (dành cho điều dưỡng viên)…
  • Đối tượng tham gia: Bác sĩ và điều dưỡng viên làm việc trong lĩnh vực tim mạch, nội khoa, hồi sức cấp cứu…
  • Thời lượng: 3-5 ngày học tập trung (quy đổi tương đương với 15-20 tiết học ĐTLT).
  • Địa điểm: Hội trường A viện Tim mạch.
  • Giảng viên: Các chuyên gia hàng đầu của Viện tim mạch theo từng lĩnh vực.
  • Phương pháp giảng dạy: giảng lý thuyết và kiến tập thực hành, thực hành trên mô hình (simulator).
  • Tài liệu giảng dạy: được biên soạn riêng cho chương trình đào tạo liên tục. Người biên soạn tài liệu giảng dạy được tính quy đổi thành 4-8 tiết ĐTLT.
  • Lượng giá và cấp chứng chỉ: học viên tham gia các khóa học phải làm test đầu vào và đầu ra, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp Chứng chỉ của khóa học (có ghi rõ số tiết quy đổi ĐTLT, VD: 4, 8, 12, 20 tiết).
  • Kinh phí tổ chức: từ nguồn tài trợ ĐTLT và đóng học phí của các học viên. Dự kiến: 50-100 triệu đồng/ 1 khóa học.

Hội thảo chuyên ngành, sinh hoạt khoa học

  • Viện Tim mạch tổ chức các Hội thảo chuyên ngành và sinh hoạt khoa học, mỗi 2-4 tuần một lần, với sự tham gia của các báo cáo viên từ các cơ sở y tế khác trong và ngoài nước và các nhà chuyên môn của Viện Tim mạch:
  • Hội thảo về cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch
  • Hội thảo chuyên đề về thuốc Tim mạch
  • Hội thảo về ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ chẩn đoán và điều trị mới trong Tim mạch
  • Hội thảo về nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân
  • Hội thảo về an toàn người bệnh…
  • Đối tượng tham gia: Các bác sĩ, điều dưỡng viên của viện Tim mạch và toàn thể học viên sau đại học.
  • Thời lượng: 2 giờ, từ 12:00 đến 14:00 các ngày thứ Năm hàng tuần (quy đổi tương đương với 2 tiết học ĐTLT).
  • Địa điểm: Hội trường B viện Tim mạch, có phục vụ ăn trưa tại chỗ.
  • Báo cáo viên: khách mời, chuyên gia của viện Tim mạch…
  • Hình thức: báo cáo chuyên đề và thảo luận
  • Tài liệu hội thảo: handout, bài báo khoa học, abstract… Người biên soạn tài liệu hội thảo (báo cáo viên) được tính quy đổi 2 tiết ĐTLT.
  • Cấp chứng chỉ và quy đổi giờ giảng: người tham gia một buổi hội thảo hoặc sinh hoạt khoa học sẽ được cấp chứng chỉ chứng nhận tham gia, quy đổi tương đương 2 tiết ĐTLT.
  • Kinh phí: từ nguồn tài trợ phát triển khoa học và công nghệ. Dự kiến: 30.000.000 đồng/ 1 hội thảo-buổi sinh hoạt khoa học (kinh phí mời báo cáo viên, phục vụ ăn trưa, in ấn tài liệu…).

Các khóa đào tạo kỹ năng mềm

  • Viện Tim mạch tổ chức các khóa đào tạo hằng năm về ngoại ngữ giao tiếp chuyên ngành (tiếng Anh, tiếng Pháp), tin học văn phòng cơ bản, đào tạo về ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện…
  • Đối tượng tham gia: Các bác sĩ, điều dưỡng viên của viện Tim mạch và toàn thể học viên sau đại học.
  • Thời lượng: khóa học kéo dài trong thời gian 1-3 tháng, với thời lượng 2-3 buổi học/ tuần, thời gian từ 12:00 đến 14:00 hoặc từ 16:00 đến 18:00.
  • Địa điểm: Hội trường A, B viện Tim mạch.
  • Giảng viên: hợp đồng với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học.
  • Kinh phí: từ nguồn tài trợ cho Đào tạo liên tục. Dự kiến: 50.000.000 đồng/ 1 khóa học.

Đào tạo trực tuyến (E-learning) và Tele-medicine

  • Viện Tim mạch đang xây dựng các khóa đào tạo trực tuyến về chuyên môn Tim mạch và các buổi hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện Vệ tinh.