Mối liên quan giữa sức căng cơ tim với các thông số chức năng thất trái trên siêu âm tim ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành


TÓM TẮT

Ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim (NMCT), chức năng thất trái đóng vai trò quan trọng trong chỉ định các phương pháp điều trị, trong tiên lượng bệnh và trong phân tầng nguy cơ. Phương pháp đánh giá sức căng cơ tim (strain) và tốc độ căng cơ tim (strain rate) giúp đánh giá độ biến dạng của cơ tim trong các thời khoảng tâm thu và tâm trương là một phương pháp đánh giá khách quan tình trạng vận động vùng thành tim và chức năng thất trái. 

Mục tiêu: Tìm hiểu mối liên quan giữa sức căng cơ tim với vị trí NMCT, với số lượng nhánh ĐMV bị tổn thương và tìm hiểu mối tương quan giữa sức căng cơ tim với các thông số chức năng thất trái trên siêu âm Doppler tim.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 30 bệnh nhân NMCT cấp lần đầu có ST chênh lên tại Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch 

Mai từ tháng 4/3013 đến tháng 10/2013. Tất cả các bệnh nhân đều được thăm khám và làm các xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm cơ bản và men tim theo bệnh án mẫu, làm điện tâm đồ, siêu âm Doppler mô cơ tim. Sức căng cơ tim và tốc độ căng cơ tim được đánh giá bằng phương pháp siêu âm Doppler mô cơ tim. Tất cả các bệnh nhân đều được chụp ĐMV chọn lọc để đánh giá mức độ tổn thương ĐMV và được can thiệp động mạch vành qua da. Sau can thiệp ĐMV 2 ngày, 7 ngày, tất cả các bệnh nhân đều được làm siêu âm tim đánh giá chức năng tim bằng phương pháp siêu âm Doppler tim thường quy và siêu âm Doppler mô cơ tim. 

Kết quả: Các bệnh nhân bị NMCT thành trước có sức căng cơ tim thấp hơn so với các bệnh nhân NMCT thành dưới ở các thời điểm trước can thiệp ĐMV, sau can thiệp ĐMV hai ngày và sau can thiệp bảy ngày (p<0,01). Số nhánh ĐMV bị tổn thương càng nhiều thì sức căng cơ tim càng giảm (p<0,01). Sức căng cơ tim có tương quan tuyến tính chặt chẽ với phân số tống máu thất trái (r = -0,61, p < 0,01), tương quan tuyến tính mức độ vừa với chỉ số vận động vùng (r = 0,41, p < 0,05). Sức căng cơ tim có tương quan tuyến tính chặt chẽ với kích thước vùng rối loạn vận động liên quan đến ổ nhồi máu (r = 0,55, p < 0,05). 

Kết luận: Sức căng cơ tim, một thông số đánh giá sự biến dạng cơ tim, đo bằng siêu âm Doppler mô cơ tim có mối liên quan chặt chẽ với vị trí NMCT, với số lượng nhánh ĐMV bị tổn thương, có mối tương quan từ vừa đến chặt chẽ với các thông số chức năng tim, nên được ứng dụng trong lâm sàng để đánh giá chức năng thất trái ở các bệnh nhân NMCT cấp.

Kính mời Quý vị tải bản đầy đủ dạng pdf tại đây: Tải về !