Triglyceride máu cao cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ

Khi nói đến bệnh tim mạch và đột quỵ, nhiều người thường quan tâm nhiều đến các chỉ số LDL, HDL và mức cholesterol toàn phần trong các xét nghiệm mỡ máu.

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho biết, chỉ số triglyceride trong kết quả xét nghiệm lipidcũng rất cần chú ý, vì chúng cũng là thủ phạm gây xơ vữa động mạch và là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim mạch chuyển hóa và đột quỵ.

Các nguy cơ của tăng triglyceride máu

Nồng độ triglyceride bình thường thấp hơn 150mg/dL; 150-199mg/dL là cao nhẹ; 200-499mg/dL được gọi là cao; và ở mức cao hơn 500mg/dL được gọi là rất cao. Tăng triglyceride máu và các rối loạn do tăng triglyceride máu gây ra thực sự khá nguy hiểm. Tăng triglyceride máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, dẫn đến góp phần vào việc tắc nghẽn các động mạch khác của cơ thể và cuối cùng sẽ dẫn đến một cơn đau tim hoặc cơn đột quỵ.

Người bị bệnh đái tháo đường, bệnh thận, hoặc suy giáp có nguy cơ cao khi kèm tăng triglycerid máu.

Nồng độ triglyceride máu vượt quá 500mg/dL có thể dẫn đến bệnh viêm tụy cấp, đe dọa tính mạng.

Mức triglyceride cao liên quan đến chứng xơ vữa động mạch. Nếu mảng xơ vữa hoặc cục máu đông vỡ ra có thể làm tắc nghẽn dòng máu trong động mạch cung cấp cho cơ tim, có thể gây ra cơn đau tim, hoặc động mạch cung cấp cho não, có thể gây đột quỵ. Mức LDL (cholesterol xấu) cao, chứng béo phì và tình trạng kháng insulin cũng là những yếu tố quan trọng gây xơ vữa động mạch.

Nhiều nghiên cứu cho thấy mức triglyceride cao có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển đột quỵ.Trong thời gian 4 năm, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu trên hơn 1.000 bệnh nhân điều trị tại một trung tâm y tế với chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), còn được gọi là “đột quỵ nhẹ”. Tất cả các bệnh nhân này đều được xét nghiệm lipid sau khi nhập viện. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân có mức triglyceride cao có gấp 2,7 lần bị đột quỵ so với những người có mức triglyceride thấp.

Triglyceride máu cao làm xơ vữa động mạch gây nguy cơ bệnh mạch vành và gan nhiễm mỡ.

Triglyceride máu cao làm xơ vữa động mạch gây nguy cơ bệnh mạch vành và gan nhiễm mỡ.

Nguyên nhân tăng triglyceride máu

Mặc dù rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể gây triglyceride máu cao, nhưng có liên quan đến một số yếu tố, bao gồm: béo phì, thừa cân; Mắc bệnh đái tháo đường; Bệnh thận, giảm chức năng tuyến giáp và bệnh gan; Tuổi cao; Chế độ ăn không lành mạnh, quá nhiều đường hoặc rượu làm tăng lượng triglyceride sản xuất trong gan; Dùng thuốc tránh thai dạng uống, steroid và thuốc lợi tiểu; Yếu tố gia đình.

Làm thế nào để giảm triglyceride máu?

Khi nồng độ triglyceride máu cao, cần thực hiện những điều sau để giảm nồng độ triglyceride về giới hạn bình thường.

Giảm trọng lượng cơ thể là yếu tố tiên quyết nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì. Mất 5-10% trọng lượng hiện tại có thể làm giảm nồng độ triglycerid 20%. Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 hoặc ít hơn, nhưng trên 18,5 dành cho người châu Á. Nếu chỉ số BMI của bạn trên 23, bạn đang bị thừa cân và trên 25, bạn đang bị béo phì, cần giảm ngay cân nặng. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: đàn ông <90 cm; phụ nữ <80 cm theo chuẩn người châu Á.

Giảm tiêu thụ đường: Nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có mức tiêu thụ đường hàng ngày không vượt quá 10% lượng calo hàng ngày sẽ có nồng độ triglyceride máu thấp nhất. Tốt nhất là giữ mức tiêu thụ đường hàng ngày thấp hơn 5%. Có nghĩa không tiêu thụ hơn 150g đường mỗi ngày đối với nam giới và 100g mỗi ngày với phụ nữ.

Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ để làm giảm nồng độ triglyceride máu. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Tiêu thụ nhiều hơn thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá béo như: cá trích, cá hồi, cá mòi. Nên ăn cá ít nhất hai lần một tuần. Tuy nhiên nếu triglyceride cao, cũng nên uống bổ sung omega-3.

Uống thuốc làm giảm triglyceride: Trong trường hợp nồng độ triglyceride máu cao hoặc rất cao, bác sĩ có thể sẽ khuyên uống một số loại thuốc như niacin, statin hoặc fibrate để đưa nồng độ triglyceride về giới hạn bình thường. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu chỉ giảm triglyceride máu bằng cách sử dụng các loại thuốc sẽ không làm giảm nguy cơ phát triển một cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Vì vậy nên kết hợp điều chỉnh lối sống lành mạnh trong ăn uống, sinh hoạt và hoạt động thể chất theo khuyến cáo.

Giảm các chất béo không lành mạnh: Càng dùng nhiều các chất béo, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, càng làm tăng nồng độ triglyceride trong máu. Có thể làm giảm triglyceride bằng cách tránh tiêu thụ chất béo không lành mạnh có trong thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, bơ và da gà; hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa có trong thức ăn nhanh và chiên xào.

(Nguồn TS. Lê Thanh Hải - Sức khỏe & Đời sống)