Tiếp nối ca can thiệp thành công kẹp sửa van hai lá qua da không cần phẫu thuật lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2014, vừa qua Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành kỹ thuật này thành công lần thứ hai. Đặc biệt, lần này kỹ thuật được thực hiện trên một bệnh nhân người Hà Lan. Ông Adrea V.D 74 tuổi, là người Hà Lan đã sống và làm việc nhiều năm ở Việt Nam. Ông được phát hiện bệnh tim năm 2012 với chẩn đoán: tăng huyết áp, suy tim – rung nhĩ cơn và từ đó đến nay được theo dõi điều trị nội khoa tối ưu nhưng chức năng tim vẫn giảm dần, buồng tim giãn, tiến triển nhanh gây nên hở van hai lá cơ năng mức độ nhiều và rối loạn nhịp nặng: rung nhĩ bền bỉ. Sau một thời gian hội chẩn với các chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, Singapore và các bác sỹ của ông tại Hà Lan, cuối cùng ông đã quyết định lựa chọn phương pháp kẹp sửa van hai lá qua da “Mitraclip”, thay vì phải phẫu thuật mở lồng ngực do lo ngại phải trải qua một cuộc mổ lớn. Đáng chú ý, ông đã tin tưởng lựa chọn thực hiện can thiệp này tại Viện tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai.
Kỹ thuật ghép van hai lá không cần phẫu thuật của Viện tim mạch
Ngày 19.6.2015 GS. BS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện tim mạch đã chủ trì cuộc Hội chẩn cùng các chuyên gia hàng đầu của Viện và quyết định triển khai. PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng, trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch, trưởng kíp can thiệp cho biết: “Đây là một kỹ thuật khó bởi dụng cụ “Mitraclip” được sử dụng để kẹp sửa van rất tinh xảo, được đưa vào các buồng tim bằng ống thông dưới hướng dẫn của siêu âm tim 3D qua thực quản và màn tăng sáng. Khi dụng cụ được đưa vào các buồng tim, việc quan trọng nhất là định vị chính xác vị trí cần kẹp lại để giảm tối đa dòng hở van hai lá. Cần phải có sự phối hợp tuyệt đối giữa kíp can thiệp và kíp siêu âm”. Trên thế giới, đây là một kỹ thuật mới, được triển khai trong khoảng 5 năm gần đây và cũng chỉ ở các Trung tâm Tim mạch lớn.
TS. BS Nguyễn Thị Thu Hoài là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật siêu âm tim 3D qua thực quản để định vị cho thủ thuật này nói: “Kỹ thuật siêu âm tim 3D qua thực quản rất khó và đòi hỏi người bác sỹ phải nắm rất chắc về giải phẫu tim cũng như định vị được không gian trong buồng tim, nhằm nhiều mục đích: vừa xác định chắc chắn chẩn đoán, vừa định hướng ống thông đi vào buồng tim, đồng thời định vị cho dụng cụ đặt đúng vào vị trí dòng hở, phải đánh giá ngay hiệu quả sau mỗi lần kẹp, xem xét việc sử dụng bao nhiêu clip kẹp van”.
Những dụng cụ tối đa để phục vụ cho việc ghép van hai lá không cần phẫu thuật
Sự khéo léo của các bác sỹ trong kíp can thiệp là một yếu tố quyết định tạo nên thành công của kỹ thuật này, bởi các cấu trúc van và dụng cụ đều rất nhỏ, tinh xảo. Ngay sau khi kẹp sửa van, các thông số chức năng tim và dòng hở được đánh giá lại bởi siêu âm tim 3D qua thực quản và qua thành ngực. Ở bệnh nhân Adrea V.D: dòng hở van hai lá đã giảm đi đáng kể, chỉ còn ở mức độ rất nhẹ, do đó chức năng tim của bệnh nhân đã được cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định và tình trạng lâm sàng tốt lên rõ rệt. Bước tiếp theo là kiểm soát rung nhĩ, tần số tim cho bệnh nhân.
Ông Adrea V.D 74 tuổi, là người Hà Lan được các bác sĩ thăm hỏi sau thời gian phẫu thuật
GS.TS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam khẳng định: “Được sự ủng hộ của Bộ Y tế và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng vào Y học, chúng tôi đã có thể thực hiện thành công những kỹ thuật can thiệp tim mạch khó nhất, tạo niềm tin cho không chỉ người dân Việt Nam mà còn cả bạn bè quốc tế”.
Viện tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu ngành của cả nước, nơi hội tụ nhiều giáo sư, bác sỹ ưu tú như: Giáo sư Phạm Gia Khải, Giáo Sư Nguyễn Lân Việt… luôn tâm huyết và hành động hiệu quả cho phát triển Y học nước nhà vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hy vọng rằng chiếc nôi của Tim mạch Việt nam này sẽ tiếp tục thành công hơn nữa để xứng đáng là đầu tầu của chuyên ngành Tim mạch cả nước.
Hoàng Yến
Nguồn: http://motthegioi.vn/suckhoe/thanh-cong-ky-thuat-ghep-van-hai-la-khong-can-phau-thuat-208524.html