Ảnh minh hoạ
Người bệnh tim mạch - đối tượng “ưa thích” của COVID-19
Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới): Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường lớn hơn 7%. Số còn lại đứng đầu trong danh sách là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.
Lý do người bệnh tim mạch mắc COVID-19 tử vong cao là bởi khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp. Bên cạnh đó, chức năng tim đã suy yếu, người bệnh vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh tim mạch sẵn có, nay lại càng khó thở hơn vì COVID-19 gây hội chứng viêm phổi cấp, khiến họ không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường.
Vì thế, ở thời điểm này, người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe và bảo vệ trái tim của mình.
7 hướng dẫn đặc biệt quan trọng giúp “phòng vệ trái tim” trước COVID-19
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm COVID-19, Bộ Y tế có khuyến cáo tất cả người dân hạn chế tối đa ra ngoài, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 2m, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thường xuyên vệ sinh nhà cửa,...
Tuy nhiên, những người mắc bệnh lý nền tim mạch chỉ tuân thủ theo các nguyên tắc trên là chưa đủ. 8 hướng dẫn đặc biệt quan trọng dưới đây là thông tin cần thiết để người bệnh tim mạch biết cách phòng tránh dịch bệnh tốt nhất.
Ảnh minh hoạ
Thứ nhất, kiểm tra ngay thuốc tim mạch để dùng đủ trong 2 - 3 tháng tới
Đại dịch COVID-19 toàn cầu chưa biết khi kết thúc, do vậy người bệnh tim mạch nên có kế hoạch dài hạn trong việc dự trữ thuốc dùng cho vài tháng. Việc đầu tiên cần làm là kiểm tra lượng thuốc theo đơn đã đủ dùng chưa. Nếu chưa, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và xin kê đơn đủ dùng trong 2-3 tháng tới. Trong trường hợp thuốc nhập từ nước ngoài nên xin thêm 1 - 2 tên thuốc khác với hoạt chất tương tự, có thể thay thế cho thuốc bạn đang dùng nếu không mua được. Tránh trường hợp dùng thuốc bị ngắt quãng làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh và gây ra những biến cố không đáng có.
Thứ hai, không tự ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ
Tim mạch là bệnh mãn tính, người bệnh cần dùng thuốc lâu dài và có nhiều loại thuốc ngưng đột ngột có thể gây bất lợi cho cơ thể. Lỗi thường gặp ở một số người bệnh tim mạch là thấy các chỉ số về ngưỡng an toàn tự ý dừng mà không biết rằng các chỉ số đó đạt được là do dùng thuốc. Mặt khác, không phải người bệnh nào cũng hiểu biết được tường tận tất cả các giá trị của từng thuốc. Trong khi có những loại thuốc cùng lúc đóng 2 vai trò trong chữa trị, điển hình như nhóm thuốc statin vừa có tác dụng giảm cholesterol vừa giúp ổn định mảng xơ vữa, phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Do vậy người bệnh tim mạch, đặc biệt là người bị bệnh mạch vành, cần dùng thuốc này ngay cả khi chỉ số mỡ máu đã trở về ngưỡng bình thường.
Ảnh minh hoạ
Thứ ba, dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38.5 độ
Bất kể là bạn sốt do virus SARS-CoV-2 hay sốt do các các nguyên nhân khác đều cần uống thuốc hạ sốt (tốt nhất là Paracetamol) để hạ thân nhiệt. Vì khi sốt cao sẽ gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở người bệnh có tiền sử tăng huyết áp. Ngoài thuốc hạ sốt, bạn cũng nên mua thêm các thuốc thông dụng như thuốc ngậm ho, giảm đau họng và một số thuốc thông dụng khác như thuốc tiêu chảy, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông dụng đề phòng trường hợp bị ốm.
Thứ tư, lưu số điện thoại của bác sĩ điều trị và trung tâm phòng chống dịch
Người bệnh tim mạch cần thiết phải khám định kỳ hàng tháng, hàng quý. Tuy nhiên, để phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện ở thời điểm này, người bệnh chỉ nên đến các cơ sở y tế thăm khám trong các trường hợp khẩn cấp. Việc lưu lại số bác sĩ sẽ giúp bạn vẫn được tư vấn dù không tới bệnh viện.
Phòng khi nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, người bệnh cần lưu lại số điện thoại của các Trung tâm khám và tư vấn COVID-19 ở gần nơi mình ở để tiện thăm khám hoặc tư vấn trước khi đến khám nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.
Thứ năm, cân nhắc việc đeo khẩu trang trong nhà vì sẽ khiến bạn khó thở
Điều này nghe có vẻ đi ngược lại với khuyến cáo của chuyên gia y tế, nhưng thực tế là bạn đang làm đúng - nếu bạn ở trong nhà. Đeo khẩu trang lúc này có thể làm bạn khó thở và gây tăng nhịp tim. Vì vậy, cách phòng tránh SARS-CoV-2 tốt nhất là bạn ở trong nhà, tạm thời hạn chế con cháu đến thăm nom trực tiếp, thay vào đó tăng giao tiếp qua điện thoại hoặc trực tuyến qua internet.
Thứ sáu, tập thể dục trong nhà thay vì ngoài trời
Bạn nên tập những bài thể dục vừa sức như đi bộ quanh nhà hoặc chạy bộ với máy tập, tập dịch cân kinh (vẩy tay), tập yoga,... Những bài tập này tuy đơn giản nhưng có tác dụng đáng kể với người bệnh tim mạch, giúp máu dễ dàng lưu thông trong cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch, từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khỏi môi trường bên ngoài.
Thứ bảy, luôn lắng nghe cảnh báo từ cơ thể
Không phải ai nhiễm COVID-19 cũng sốt, ho, khó thở. Mỗi người bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Đặc biệt ở người bệnh tim mạch, đôi khi triệu chứng bệnh bị che lấp bởi các bệnh lý nền. Bởi vậy, người bệnh tim mạch cần cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể ở dưới đây:
Ảnh minh hoạ
Ngoài những triệu chứng khó thở, ho, sốt mà người nhiễm COVID-19 thường gặp phải, người bệnh tim mạch cần lưu ý thêm đến các triệu chứng đau ngực, nhịp tim không đều. Vì thế, bất cứ khi nào nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh, bạn cần gọi điện đến số điện thoại tư vấn phòng dịch để được sàng lọc trước và hướng dẫn đến đúng tuyến bệnh viện khám và chữa trị, tránh lây cho cộng đồng.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/huong-dan-nguoi-bi-benh-tim-mach-phong-ve-trai-tim-truoc-covid-19--n172220.html