Nhận xét quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tim hở có chuẩn bị ở người trưởng thành tại khoa PTTM-LN- BV Hữu Nghị Việt Đức


TÓM TẮT
Mục tiêu: Nhận xét qui trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tim hở có chuẩn bị ở người trưởng thành tại khoa phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu mô tả tiến cứu với bộ câu hỏi và hồ sơ bệnh án. Đối tượng gồm 91 bệnh nhân mổ tim hở từ 11/2011 đến 4/2102 đủ tiêu chuẩn nghiên cứu tại khoa phẫu thuật tim mạch bệnh viện Việt Đức.

Kết quả: Mức độ giải thích về phẫu thuật đạt tỷ lệ 97,8%, giải thích gây mê trước mổ đạt 63,7%. Mức độ giải thích về nơi nằm điều trị sau phẫu thuật là 52,7%. Mức độ giải thích về những khó chịu và can thiệp trên cơ thể sau mổ còn thấp (15,4%). Công tác chăm sóc cơ bản được thực hiện đầy đủ các bước theo qui trình, có 46% bệnh nhân được điều dưỡng động viên tinh thần trước mổ.

Kết luận: Hầu hết các khâu trong công tác chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tim hở tại khoa phẫu thuật tim mạch được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên hoạt động thông tin, giải thích trước phẫu thuật cần được tiến hành kĩ lưỡng, đúng qui trình, đặc biệt là công tác giải thích gây mê cần chú trọng hơn, không chỉ khám gây mê mà còn phải giải thích về gây mê cho bệnh nhân.

Từ khóa: mổ tim hở, chuẩn bị bệnh nhân trước mổ, giải thích trước mổ, khám mê
  
ĐẶT VẤN ĐỀ
Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời qua nhiều thời kỳ, ngày nay ngoại khoa đã và đang khẳng định vai trò của mình trong nền y học thế giới. Nếu phẫu thuật là một sự can thiệp trực tiếp vào hệ thống giải phẫu sinh lý của bệnh nhân thì công tác của người điều dưỡng là chuẩn bị tiền đề về thể chất và tinh thần cho người bệnh để tiếp nhận sự can thiệp đó một cách thuận lợi và thành công hơn [6]
Phẫu thuật là một phương pháp điều trị gây sang chấn và có ảnh hưởng nhất định tới người bệnh. Phẫu thuật tim là một can thiệp lớn, tốn kém và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Do đó để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, kiểm soát được tai biến, hạn chế biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật thì vai trò rất lớn thuộc về công tác chuẩn bị trước mổ.
Theo Nguyễn Tiến Thành năm 2009 nghiên cứu trên 719 bệnh nhân điều trị phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức đã chỉ ra tỷ lệ nhiễm khuẩn trong mổ cấp cứu là 8,16% cao hơn hẳn so với tỷ lệ nhiễm khuẩn trong mổ có kế hoạch. Điều đó cho thấy vai trò công tác chuẩn bị bệnh nhân trước mổ là hết sức quan trọng [1]. Theo nghiên cứu của Ramsay tiến hành trên 183 bệnh nhân nữ và 199 bệnh nhân nam cho thấy, có tới 70% bệnh nhân nam cho biết họ cảm thấy lo lắng và hoang mang trước khi tiến hành phẫu thuật và con số này ở nhóm nữ lên tới 76%. Như vậy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật và chuẩn bị bệnh nhân trước mổ cả về hồ sơ, tâm lý, thể chất, thông tin, giải thích là việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong phẫu thuật và giảm tỉ lệ nhiễm trùng. Chính vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Nhận xét qui trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tim hở có chuẩn bị ở người trưởng thành tại khoa phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực bệnh viện Việt Đức” nhằm rút ra những đánh giá về thực trạng triển khai quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ, góp phần cải thiện chất lượng điều trị người bệnh tại khoa tim mạch bệnh viện Việt Đức.

1.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu mô tả tiến cứu
1.2. Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu 
1.2.1 Đối tượng nghiên cứu:
- Tiêu chuẩn lựa chọn: bệnh nhân mổ tim hở có chuẩn bị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, từ 15 tuổi trở lên và tự nguyện tham gia nghiên cứu.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân mổ cấp cứu, bệnh nhân dưới 15 tuổi, bệnh nhân có tiền sử tâm thần, không có khả năng trả lời và không hợp tác nghiên cứu

1.2.2 Thời gian nghiên cứu: Từ 01/11/2011 đến 15/04/2012.
1.2.3 Địa điểm: Khoa phẫu thuật Tim mạch- Lồng ngực, bệnh viện Việt Đức.
1.3. Cỡ mẫu thuận tiện: lấy toàn bộ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu
1.4. Phương pháp thu thập số liệu:
- Sử dụng hồ sơ bệnh án và bộ câu hỏi để thu thập số liệu. Hồ sơ bao gồm bệnh án bác sĩ và hồ sơ điều dưỡng, bộ câu hỏi bao gồm ba phần lớn: Phần thông tin chung (6 câu hỏi), Thông tin bệnh nhân (6 câu hỏi), Công tác chuyên môn (45 câu hỏi).
- Chúng tôi phỏng vấn trực tiếp các đối tượng vào ngày trước phẫu thuật.

1.5 Phân tích số liệu:
- Mã hóa, quản lý số liệu bằng phần mềm Epi Data 3.1.
-Phân tích, xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0 với các test thống kê y học.

2.KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong thời gian nghiên cứu từ 01/11/2011 đến 15/4/2012 chúng tôi có 91 bệnh nhân đạt tiêu chuẩn nghiên cứu và thu được một số kết quả như sau:

2.1. Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu
2.1.1.Tuổi, giới, trình độ học vấn
Bảng 1: Tuổi, giới, trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu
Thông tin chungSố BN (n)Tỷ lệ (%)
Tuổi
15 – 30 
31 – 60 
≥ 61
 
24 
61 
6
 
26.4 
67.0 
6.6
Giới
Nam 
Nữ
 
41 
50
 
45 
55
Trình độ học vấn
Tiểu  học 
Trung học cơ sở 
Trung học phổ thông 
Trung cấp 
Cao đẳng – Đại học
 

32 
34 

14
 
9.9 
35.2 
37.4 
2.2 
15.3

2.1.2. Tình trạng sức khỏe và chẩn đoán y khoa của các đối tượng tham gia nghiên cứu

Bảng 2: Tình trạng sức khỏe bệnh nhân trước khi vào viện
Tình trạngSố BN (n)Tỷ lệ %
Sinh hoạt bình thường1617.6
Hoạt động giảm sút, vẫn tự phục vụ bản thân7481.3
Hoạt động yếu, cần người phục vụ11.1
Phụ thuộc hoàn toàn00
Tổng91100
 
Biểu đồ 1: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo chẩn đoán y khoa.
2.2. Công tác chuẩn bị tâm lý – tinh thần trước mổ 
2.2.1 Thông tin, giải thích trước mổ:
a. Thực trạng giải thích về phẫu thuật

Bảng 3: Công tác giải thích về phẫu thuật

Nội dung
Số BN (n)Tỷ lệ (%)
Thông báo trước mổThông báo ngày giờ, căn dặn trước mổ8997.8
Chỉ thông báo ngày giờ22.2
Không thông báo gì00
Đối tượng Bệnh nhân và người nhà5863.7
Người nhà3336.3
  ­­­­ 
b. Giải thích về gây mê

Bảng 4: Tỷ lệ bệnh nhân được gặp bác sĩ gây mê trước phẫu thuật.

Mức độ giải thích
Số BN (n)Tỷ lệ (%)
BN được gặp bác sĩ gây mê5863.7
Không được gặp3336.3
Tổng91100
           
 c. Giải thích về can thiệp và nơi nằm điều trị sau mổ
 
A. Tỷ lệ BN biết nơi nằm điều trị sau mổ    
B. Tỷ lệ BN được giải thích can thiệp sau mổ
Biểu đồ 2: Tỷ lệ bệnh nhân được biết về nơi nằm điều trị (A) và can thiệp sau mổ (B)

2.2.2 Công tác chăm sóc cơ bản
a. Chăm sóc vệ sinh
Bảng 5: Công tác chăm sóc vệ sinh cá nhân trước mổ

Nội dung
Có làm (%)Không làm (%)
Tắm, vệ sinh cơ thể97.82.2
Vệ sinh vùng phẫu thuật97.82.2
Thay quần áo1000
Thụt tháo1000
Cắt  móng tay83.516.5
Tháo răng giả23.077.0
Tháo đồ, tư trang trước mổ33.067.0
b.Công tác chăm sóc dinh dưỡng và thực hiện y lệnh:

Bảng 6: Công tác chăm sóc dinh dưỡng và thực hiện y lệnh

Nội dung
Số BN (n)Tỷ lệ (%)
Hướng dẫn nhịn ăn trước mổ91100
Đo chiều cao, cân nặng91100
Đo mạch, nhiệt độ, huyết áp91100
Thực hiện y lệnh thuốc an thần9098.9
Test kháng sinh91100

c.Công tác chuẩn bị tâm lý trước mổ:
*Công tác chăm sóc tinh thần của điều dưỡng:
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 46% bệnh nhân nói họ chỉ được điều dưỡng căn dặn những việc phải làm như vệ sinh, tắm gội và nhịn ăn trước phẫu thuật còn lại không được động viên tinh thần. Nhà ngoại khoa Pettro đã nói: ”Cần phải chuẩn bị tâm lý cho người bệnh trước mổ như chuẩn bị tâm lý cho người lính trước khi ra trận”. Điều đó cho thấy điều dưỡng cần chú trọng hơn đến công tác chăm sóc tinh thần bệnh nhân để giúp người bệnh sẵn sàng đón nhận phẫu thuật.
*Một số vấn đề bệnh nhân quan tâm trước phẫu thuật

  

Biểu đồ 4: Các vấn đề bệnh nhân quan tâm trước phẫu thuật.
2.3. Công tác chuẩn bị hồ sơ trước mổ:
2.3.1 Hồ sơ bệnh án:
100% các hồ sơ bệnh án có đầy đủ các giấy tờ bao gồm:
- Xét nghiệm cận lâm sàng: Công thức máu, sinh hóa máu, định nhóm máu, siêu âm tim, điện tim, X – quang tim phổi, xét nghiệm nước tiểu
- Phiếu khám gây mê hồi sức, dấu thông qua mổ
- Cam kết phẫu thuật của gia đình bệnh nhân.
2. 3.2 Hồ sơ điều dưỡng:
100% công việc chăm sóc cơ bản trước PT được ghi đầy đủ trong hồ sơ điều dưỡng bao gồm:
- Thay quần áo trước phẫu thuật
- Số đo chiều cao, cân nặng bệnh nhân
- Số đo mạch, nhiệt độ, huyết áp
- Thụt tháo trước phẫu thuật.
- Hướng dẫn nhịn ăn trước phẫu thuật
- Hướng dẫn vệ sinh, tắm trước phẫu thuật
- Hướng dẫn BN cắt móng tay trước phẫu thuật: 93.4% Hồ sơ có ghi chép. 6.6% hồ sơ không ghi chép.

3.BÀN LUẬN
3.1. Đặc điểm dịch tễ học nhóm nghiên cứu
Tổ chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo độ tuổi dễ mắc bệnh tim nhất là trên 40 tuổi [7]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 67% trường hợp mổ tim thuộc nhóm tuổi 31-60 tuổi, trong đó nữ chiếm 55% và nam 45% (Bảng 1). Điểm nổi bật và đặc thù là có sự chênh lệch về trình độ học vấn của các đối tượng nghiên cứu, nhóm đối tượng học từ trung học phổ thông trở xuống cao gấp 4,7 lần nhóm học cao đẳng- đại học. Do vậy đòi hỏi người điều dưỡng trong quá trình tiếp xúc cũng như hướng dẫn bệnh nhân và người nhà, cần phải sử dụng những ngôn ngữ dễ hiểu, nhẹ nhàng, ân cần, tránh dùng từ chuyên môn, nhiều khi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho người bệnh hiểu
3.2. Chẩn đoán bệnh và tình trạng lúc vào viện
-Theo Bảng 2, phần lớn các đối tượng nghiên cứu đến bệnh viện khi đã có giảm sút về sức khỏe, có 81.3% bệnh nhân đã có những giảm sút nhất định khi lao động và làm việc tuy nhiên họ vẫn có khả năng tự làm những công việc sinh hoạt tự phục vụ bản thân. Điều này cho thấy đa số bệnh nhân chưa có sự quan tâm đúng mức tới bệnh tật và họ chỉ đến viện khi tình trạng sức khỏe đã giảm sút và cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Đây cũng là điểm chung thường thấy ở không ít người bệnh Việt Nam
-Biểu đồ 1 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh van tim chiếm tỷ lệ cao vượt trội (61,5%) so   với các bệnh lý tim mạch khác. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hồ Thị Thiên Nga bệnh van tim (43,3%) chiếm tỉ lệ cao gấp 3 lần so với bệnh lý tim mạch khác tại bệnh viện Việt Đức [2]
3.3.Công tác chuẩn bị chăm sóc cơ bản bệnh nhân trước mổ
-Tại bệnh viện Việt Đức, nhận thức về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị người bệnh trước mổ chưa phải đã được quán triệt đồng đều tới tất cả thầy thuốc cũng như điều dưỡng. Không ít nhân viên y tế nghĩ rằng chỉ cần mổ tốt là được. Bảng 3 cho thấy tại khoa phẫu thuật tim mạch đã có 97,8% bệnh nhân được thông báo ngày giờ phẫu thuật và được điều dưỡng và bác sĩ căn dặn trước phẫu thuật. Việc thông báo ngày giờ phẫu thuật và căn dặn trước phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân yên tâm hơn khi chấp nhận phẫu thuật. Điều này sẽ giúp bệnh nhân và người nhà chủ động hơn trong việc chuẩn bị tâm lý và sinh lý trước phẫu thuật, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên chỉ có 58 trường hợp (63,7%) bác sĩ giải thích cho cả người nhà và bệnh nhân, còn lại 33 trường hợp (36,3%) bác sĩ chỉ giải thích về phẫu thuật cho người nhà. Những thông tin do thầy thuốc mang lại trực tiếp cho chính bệnh nhân sẽ làm họ hiểu và an tâm hơn về tình trạng bệnh, an tâm hơn khi phẫu thuật vì đã tạo được một mối gắn kết và niềm tin nơi thầy thuốc. Việc người nhà giải thích lại cho người bệnh dễ dẫn tới những hiểu biết sai lệch về bệnh, làm nảy sinh những lo lắng gây ảnh hưởng đến tâm lý trước phẫu thuật. Hoặc là quá lo sợ về bệnh tật, gia đình không thống nhất, nói nửa chừng cho bệnh nhân làm họ lo sợ bệnh nặng hoặc là họ quá tin tưởng vào phẫu thuật. Những cảm xúc này đều  làm ảnh hưởng không tốt đến gây mê hồi sức và điều trị sau phẫu thuật.
-Bên cạnh việc giải thích về phẫu thuật thì vấn đề gây mê rất ít bệnh nhân quan tâm, thông thường bệnh nhân chỉ quan tâm xem mình mắc bệnh gì, phẫu thuật sẽ làm gì. Còn gây mê hầu như không ai quan tâm xem họ được gây mê như thế nào, thậm chí nhiều bệnh nhân không biết mình được gây mê hay gây tê và không biết gây mê có ảnh hưởng gì đến cơ thể họ hay không. Bệnh nhân chỉ biết là mình sẽ được ngủ trong khi phẫu thuật. Bảng 4 cho thấy có 36,3% bệnh nhân không được gặp bác sĩ gây mê trước phẫu thuật, 63,7% bệnh nhân được gặp bác sĩ gây mê nhưng chỉ được khám gây mê rất đơn giản.
-Đối với bệnh nhân để trải qua một ca phẫu thuật tim là hết sức khó khăn, ngoài phải chịu những cơn đau sau phẫu thuật thì bên cạnh đó bệnh nhân còn có những khó chịu do một số can thiệp như vướng đường truyền tĩnh mạch cổ-tay, đặt ống nội khí quản, ống dẫn lưu vết mổ, dẫn lưu trung thất, thông  tiểu, vị trí mổ…Tuy nhiên việc giải thích về những khó chịu sau phẫu thuật lại chưa được chú trọng nhiều. Biểu đồ 2 trong nghiên cứu của chúng tôi có 84,6% bệnh nhân không được giải thích gì về những can thiệp sau khi phẫu thuật. Và trong số 15,4% bệnh nhân được biết về những can thiệp sau phẫu thuật thì có 5,5% bệnh nhân biết đến những can thiệp đó thông qua bệnh nhân mổ trước nói lại. Việc giải thích về những can thiệp sau phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân khỏi bị bất ngờ, lo lắng, hoảng sợ vì các ống, dây, băng…được đặt trên cơ thể sau khi tỉnh dậy. Thực tế có rất nhiều bệnh nhân sau khi tỉnh dậy họ thấy khó chịu khi đặt ống nội khí quản trong miệng và yêu cầu rút ống ra, bên cạnh đó trong thời gian lưu ống nội khí quản thì bệnh nhân không được ăn, không được uống nước….Ngoài ra có rất nhiều bệnh nhân lo lắng, hốt hoảng vì có nhiều hệ thống máy móc xung quanh mình.Tất cả những khó chịu trong giai đoạn thoát mê có thể chưa ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Nhưng lại làm cho bệnh nhân không hợp tác với nhân viên y tế trong điều trị sau phẫu thuật, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị.
-Do đặc thù riêng của khoa phẫu thuật tim mạch, bệnh nhân ngay sau khi mổ về sẽ nằm ở khu điều trị tích cực và người nhà chưa được vào chăm sóc để giảm thiểu những nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 47,3% bệnh nhân không biết về nơi nằm điều trị sau phẫu thuật (biểu đồ 2). Điều đó ảnh hưởng tới tâm lý bệnh nhân sau mổ, gây cho họ sự bất an khi không thấy người nhà bên cạnh. Vì vậy, bác sĩ và điều dưỡng cần giải thích cho bệnh nhân biết được không gian điều trị sau phẫu thuật cũng như những khó chịu sau phẫu thuật để họ thích nghi dễ dàng hơn, đỡ bất ngờ với môi trường điều trị sau mổ, dễ dàng hợp tác trong quá trình điều trị.
-Da là một lớp vỏ ngoài bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn. Ngoài ra da còn có nhiệm vụ hô hấp, bài tiết một số chất cặn bã của cơ thể như ure, các muối khoáng, tham gia điều hòa thân nhiệt. Tắm gội vệ sinh cơ thể, làm sạch da trước phẫu thuật có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong phòng chống nhiễm khuẩn hậu phẫu. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân tắm và vệ sinh cơ thể trước phẫu thuật khá cao 97,8% (bảng 5). Nhưng hoàn toàn do bệnh nhân tự tắm. Chính vì vậy nhân viên y tế cần hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cho bệnh nhân tắm để đạt yêu cầu, hướng dẫn bệnh nhân mua loại xà bông tắm phù hợp, khuyến khích bệnh nhân nên tắm lại vào sáng hôm phẫu thuật.
-Tỷ lệ bệnh nhân được thay quần áo và thụt tháo trước khi phẫu thuật đạt 100%, việc nhắc bệnh nhân cắt móng tay đạt tỷ lệ 83,5%. Tỷ lệ bệnh nhân không được hướng dẫn tháo răng giả cao (77%). Việc nhắc nhở bệnh tháo bỏ đồ tư trang trước khi phẫu thuật chưa được chú trọng, có 61 BN (67%) không được căn dặn.
-Bất kì bệnh nhân nào khi vào viện đều có những nỗi lo, những mối quan tâm nhất định liên quan đến bệnh của mình. Trong nghiên cứu của chúng tôi (biểu đồ 4), vấn đề tình trạng bệnh được bệnh nhân quan tâm nhiều nhất chiếm 78%, tiếp theo là vấn đề chi phí điều trị và người phẫu thuật, còn lại vấn đề thời gian điều trị ít được quan tâm hơn. Điều này phản ánh đúng thực tế Việt Nam (khác biệt hoàn toàn với các nước phát triển) khi chi phí y tế phần nhiều do người bệnh chi trả, tiền mổ cao, nhưng tiền giường nằm lại rất thấp. Thực tế phần lớn bệnh nhân khi vào viện điều trị thì trước đấy họ đã được các bác sĩ khuyên nên phẫu thuật càng sớm càng tốt và lần này vào viện họ đã phải chuẩn bị rất nhiều, thu xếp công việc gia đình để có đủ thời gian tham gia đợt điều trị này; lo đủ kinh phí điều trị. Chính vì vậy mà đến khi vào viện thì đa phần bệnh nhân chỉ còn quan tâm đến tình trạng bệnh và kết quả điều trị.
3.4.Công tác chuẩn bị hồ sơ bệnh án trước mổ
Là công việc được thực hiện rất tốt tại khoa tim mạch bệnh viện Việt Đức, tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả khác [4], [5]. Việc hướng dẫn bệnh nhân nhịn ăn và kiểm tra chiều cao, cân nặng đạt tỷ lệ 100%. Hướng dẫn bệnh nhân nhịn ăn trước phẫu thuật đúng sẽ làm giảm nguy cơ trào ngược vào phổi trong quá trình gây mê. Việc thực hiện các y lệnh thuốc an thần, test kháng sinh, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp đạt tỷ lệ lần lượt là 98,9%; 100% và 100%. 

KẾT LUẬN: Hầu hết các khâu trong công tác chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tim hở tại khoa phẫu thuật tim mạch bệnh viện Việt Đức được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề như sau: 
Về công tác thông tin, giải thích trước mổ vẫn còn một tỷ lệ nhất định bệnh nhân chưa được biết về những can thiệp sau phẫu thuật (84,6%) và nơi nằm điều trị sau phẫu thuật (47,3%), 36,3% bệnh nhân chưa được bác sĩ gây mê trực tiếp giải thích trước mổ. Công tác chăm sóc điều dưỡng trước mổ được thực hiện khá tốt tất cả các khâu từ chăm sóc vệ sinh, dinh dưỡng và thực hiện y lệnh thuốc, tuy nhiên vẫn còn 46% điều dưỡng viên chưa quan tâm đến công tác chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân trước mổ. Chính vì vậy cần phải có sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ về sự tuân thủ quy trình chăm sóc người bệnh trước phẫu thuật để nâng cao hơn chất lượng chăm sóc trước mổ tại khoa phẫu thuật Tim mạch- lồng ngực, bệnh viện Việt Đức nói riêng và tại các khoa phòng nói chung.