Câu hỏi 67: Bệnh hở van hai lá khác hẹp van hai lá như thế nào ? Nguyên nhân gây bệnh hở van hai lá ?


Hẹp van hai lá là tình trạng giảm diện tích mở lỗ van hai lá do dính dần các mép van, xơ hoá và co rút bộ máy van và dưới van. Hẹp van hai lá gây cản trở dòng máu từ nhĩ trái về thất trái, gây ứ đọng máu ở nhĩ trái và ở phổi. Trái lại, hở van hai lá là tình trạng van hai lá đóng không kín trong thì tâm thu, làm cho dòng máu từ thất trái lẽ ra đi một chiều qua van động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể lại bị trào ngược trở lại một phần vào nhĩ trái. Hậu quả của hở van hai lá làm là làm cho buồng tim trái phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày dẫn đến giãn thất trái và suy tim.

Có rất nhiều nguyên nhân gây hở van hai lá, được chia thành các nhóm sau đây:
1. Bệnh lý lá van:

-         Di chứng thấp tim: xơ hoá, dầy, vôi, co rút lá van.

-         Thoái hoá nhầy: làm di động quá mức lá van.

-         Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) gây thủng lá van, co rút lá van khi lành bệnh.

-         Xẻ (nứt) van hai lá: đơn thuần hoặc phối hợp (thông sàn nhĩ thất – một dị tật tim bẩm sinh).

-         Van hai lá có hai lỗ van.

-         Bệnh cơ tim phì đại: van hai lá di động ra trước trong kỳ tâm thu.

2. Bệnh lý vòng van hai lá:

-         Giãn vòng van:  do giãn buồng thất trái trong bệnh cơ tim giãn, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tín, tăng huyết áp lâu ngày.

-         Vôi hoá vòng van:

-         Thoái hoá ở người già, thúc đẩy do tăng huyết áp, đái đường, suy thận.

-         Do bệnh tim do thấp, hội chứng Marfan, hội chứng Hurler.

3. Bệnh lý dây chằng:

-         Thoái hoá nhầy gây đứt dây chằng.

-         Di chứng thấp tim: dày, dính, vôi hoá dây chằng.

4. Bệnh lý cột cơ:

-         Nhồi máu cơ tim gây đứt cột cơ nhú: gây hở hai lá cấp, biểu hiện lâm sàng bằng triệu chứng suy tim nặng, có thể shock tim.

-         Rối loạn hoạt động cơ nhú:

-         Thiếu máu cơ tim

-         Bệnh lý thâm nhiễm cơ tim: amyloid, sarcoid.

Bẩm sinh: dị dạng, van hình dù...